Theo tờ trình số 4073/TTr - BGTVT mà Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để Chính phủ xem xét trình Quốc hội chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới, sân bay Long Thành sẽ thu hẹp đáng kể quy mô đầu tư trong giai đoạn đầu tiên.
Mô hình dự án sân bay Long Thành. (Nguồn: Ashui.com)
Cụ thể, trong giai đoạn 1 của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng nhà ga hành khách có công suất 25 triệu khách mỗi năm với hai đường cất hạ cánh song song, đền bù toàn bộ 5.000ha (theo quy hoạch hoàn chỉnh) và dự kiến mở rộng (giai đoạn 2) vào năm 2025. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 7,8 tỷ USD (tương đương 164.170 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải xác định, việc huy động nguồn vốn lớn trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn, nên để giảm bớt nguồn lực đầu tư ban đầu, tăng hiệu quả kinh tế - tài chính cũng như tính khả thi cho dự án, cơ quan này đề xuất chia nhỏ thành hai kỳ đầu tư trong giai đoạn này.
Cụ thể như sau: Giai đoạn 1a cần khoảng 5,6 tỷ USD để xây dựng 1 đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách công suất 17 triệu khách/năm; giải phóng mặt bằng hơn 2.500 ha. Giai đoạn 1b sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng nốt gần 2.400 ha còn lại cũng như xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh. Số tiền cần bổ sung thêm khoảng 2,2 tỷ USD.
"Giai đoạn 1a là phương án đầu tư chính thức trong giai đoạn đầu tiên của Dự án", lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, sẽ có khoảng 48,3% trong tổng nguồn đầu tư của giai đoạn 1a, tương đương 2,7 tỷ USD là dùng tiền của Nhà nước (ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vay ODA). Số tiền từ nguồn ngân sách sẽ chi cho khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, bồi thường giải phóng mặt bằng, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc). Hơn 2,9 tỷ USD còn lại (chiếm 51,7%) là nguồn huy động từ doanh nghiệp, liên doanh liên kết, hợp tác công – tư…) được dùng để xây nhà ga, sân đậu ô tô, khu sửa chữa bảo trỳ máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu và các công trình thương mại).
“Hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm đến dự án và sẵn sàng hợp tác đầu tư dưới các hình thức PPP, BOT như tập đoàn Samsung, công ty CHK Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn Nhật Bản. Đặc biệt, tập đoàn ADPi của Pháp được nói đến với tư cách là đầu tư tư nhân lớn nhất khi sẵn sàng đề nghị cả đầu tư trực tiếp và huy động ngân hàng với tổng số tiền lên đến 1,5 tỷ USD – tương đương hơn 50% vốn ngoài ngân sách cho dự án này", Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Theo tờ trình, dự kiến giai đoạn 1a sẽ được khởi công vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2023.
Anh Minh
- Đánh thức Thủ Thiêm
- Giá thuê đất xây công trình ngầm không quá 30% giá thuê đất
- Kiến nghị bỏ giấy phép quy hoạch
- Hà Nội hủy xây trung tâm thương mại-chợ Ngã Tư Sở
- Đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng
- “Gói 50.000 tỷ” không hỗ trợ lãi suất, không tiền ngân sách
- Đấu thầu dự án ODA: Những “phiên chợ” một người mua
- Tăng giá căn hộ vì Thông tư 03
- Xử dự án bỏ hoang: Sẽ thu hồi, sẽ thu hồi, sẽ...
- Mỗi dự án được bán 30% căn hộ cho người nước ngoài