Từ 1/7/2014, bảy Luật quan trọng sẽ có hiệu lực, gồm: Luật Đất đai; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Đấu thầu; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Trong đó, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và xã hội của đất nước.
Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Trong đó, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận, hoặc cấp chung một sổ đỏ và trao cho người đại diện. Trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.
Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật quy định cụ thể về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định tại Điều 54 của Hiến pháp. Quy định giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, yêu cầu về bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ hơn trong Luật sửa đổi thông qua quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở và một số khoản hỗ trợ khác.
Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý, sử dụng đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Luật Đấu thầu ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm cho người lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam từng bước tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường thế giới.
Minh Nguyên
- Luật Đất đai 2013: Xử lý mạnh tay các dự án treo
- Đầu tư bãi đậu xe: Thiếu “đất lành”
- Tân Cảng Sài Gòn sắp thành khu đô thị lớn
- Nhiều chính sách mới về đất đai bắt đầu có hiệu lực
- Quảng Ninh cần khoảng 34 tỉ USD để bứt phá
- Thủ tướng yêu cầu tạm dừng một số dự án nhà tại Hà Nội
- “Chạy dự án" - dạng đầu tư bất động sản phải “trừ diệt”
- Hà Nội giữ nguyên giá dịch vụ nhà chung cư
- Đường đến gói 30.000 tỉ còn đủ loại khó khăn
- Phát triển nhà ở xã hội phải tuân thủ quy hoạch