Ashui.com

Friday
Jan 10th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TPHCM: Nhiều cơ hội cho hợp tác công-tư

TPHCM: Nhiều cơ hội cho hợp tác công-tư

Viết email In

Chỉ trong vòng 2 năm TPHCM đã thu hút hàng trăm dự án phát triển hạ tầng đô thị theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) và dư địa để thành phố kéo thêm dự án đầu tư bằng hình thức PPP trong những năm sắp tới vẫn còn rất lớn. 

Trao đổi với TBKTSG Online ngày 13/12, ông Lê Quỳnh Đài, Phó chủ tịch UBND quận 8 cho biết hiện quận 8 đang có ít nhất 3 nhà đầu tư quan tâm đến dự án di dời, cải tạo nhà ven Kênh Đôi theo hình thức đối tác công tư (PPP) là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn, Vingroup và Công ty Lũng Lô thuộc Bộ Quốc phòng. 

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã chính thức nộp hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, hai doanh nghiệp còn lại đang tiếp tục thu thập thông tin dự án tại quận 8. Được biết dự án di dời hộ ven Kênh Đôi nhằm chỉnh trang đô thị tại quận 8 có vốn đầu tư lên đến gần 10.000 tỉ đồng.  


Một dự án ngăn triều được thực hiện theo hình thức PPP tại TPHCM
(Ảnh: Văn Nam) 

Không chỉ trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, nhiều dự án khác tại thành phố thuộc các lĩnh vực khác như xử lý nước thải, môi trường, hạ tầng giao thông, cảng biển, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao… đều thu hút nhiều nhà đầu tư muốn tham gia theo hình thức PPP. 

Theo bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có 92 dự án đang triển khai theo hình thức PPP với tổng vốn gần 327.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 95 dự án khác đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn 121.430 tỉ đồng.

Con số nói trên cho thấy dư địa thu hút nguồn vốn đầu tư từ xã hội dành cho đầu tư phát triển của thành phố theo hình thức PPP (hợp đồng BOT, BT, BOO, BTO, BTL, BLT…) vẫn còn rất nhiều.

Trong số 92 dự án đang triển khai theo hình thức PPP nói trên, hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, chiếm số lượng nhiều nhất với 65 dự án (hơn 70%), còn lại các hình thức khác như BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) hoặc BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh) có 16 dự án, BLT (xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao) hoặc BTL (xây dựng – chuyển giao - thuê dịch vụ) có 7 dự án, 4 dự án thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Trước đó, vào năm 2009 các văn bản pháp luật của Việt Nam chỉ quy định 3 hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) gồm BOT, BTO và BT thì đến năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP nâng lên 7 hình thức đầu tư PPP gồm BOT, BTO, BT, BLT, BTL, BOO và hợp đồng O&M (hợp đồng kinh doanh – quản lý). Việc bổ sung nói trên giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, triển khai dự án PPP với các hình thức đa dạng hơn theo nhu cầu thực tế và đáp ứng được các yêu cầu theo thông lệ quốc tế.

Trở lại với TPHCM, dù con số dự án đăng ký đầu tư theo hình thức PPP sau hai năm đẩy mạnh theo Nghị định 15 được cho là khá ấn tượng, song phía trước còn khá nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Trong một báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi giữa năm 2016, UBND TPHCM từng nêu một số khó khăn trong triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP liên quan đến các chính sách ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; về chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án PPP có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống, an ninh của dân cần phải triển khai nhanh.

Chẳng hạn, thành phố có nhiều dự án cải tạo chung cư cũ, dự án chỉnh trang di dời các khu nhà ổ chuột ven kênh rạch bị ô nhiễm đang có nguy cơ bị sạt lở, các dự án hạ tầng giao thông tại một số khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, các dự án xây dựng bệnh viện… nhưng việc thực thi các dự án này còn gặp nhiều vướng mắc.

UBND thành phố cũng cho rằng các khoản thanh toán định kỳ cho nhà đầu tư theo hình thức PPP cần xét đến yếu tố lạm phát bởi nhà đầu tư không thể kiểm soát rủi ro lạm phát, không thể chuyển giao rủi ro lạm phát cho nhà đầu tư. 

Thu hút vốn xã hội bằng hình thức hợp tác đối tác công-tư (PPP) được xem là một giải pháp tốt trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng cần phải có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn để cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước, giảm gánh nặng “xin – cho” trong tiếp cận dự án. 

Văn Nam 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3039 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...