Quốc hội đã cho phép Hà Nội sử dụng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Theo đó, về quản lý thu ngân sách nhà nước, HĐND TP. Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố, bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội. (Ảnh minh họa: Ashui.com)
Bên cạnh đó, ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí nêu trên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP. Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP. Hà Nội.
Ngoài ra, ngân sách TP. Hà Nội cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, theo nghị quyết, ngân sách TP. Hà Nội sẽ được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.
Về quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của TP. Hà Nội, HĐND thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP. Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
An Chi
(Đầu Tư Tài Chính Việt Nam - VietnamFinance)
- Đề xuất Thủ tướng để Lotte tiếp tục đầu tư dự án tỷ USD ở Thủ Thiêm
- [Infographic] 3 đường vành đai 10 năm chưa thể khép kín ở TP.HCM
- Nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam phải có kinh nghiệm vận hành công trình đặc biệt
- Ách tắc dự án do Luật Đất đai và Luật Quy hoạch?
- TPHCM 2021: Đầu tư PPP khó khăn hơn vì không còn hình thức BT
- TPHCM có nhiều dự án ODA nhất nhưng giải ngân rất thấp
- Hình ảnh dự án mở rộng đường vành đai 3 Hà Nội nhìn từ trên cao
- Minh bạch chia sẻ doanh thu trong dự án PPP rõ hơn
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thị trường địa ốc “hồi sinh” hậu Covid-19
- Doanh nghiệp phía Nam sẽ không phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế