Các chủ đầu tư dự án nhà ở có quy mô 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 mét, trên địa bàn TPHCM, thành phố Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây.
Việc Quốc hội thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi) ngày 17/6 với nhiều nội dung mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đi lại và thời gian thẩm định.
Việc giảm bớt các thủ tục hành chính sẽ giúp các dự án nhà ở rút ngắn được thời gian xây dựng (Ảnh: Lê Anh)
Nói về các điểm mới giúp giảm phiền hà cho doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau phần thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở.
Trước đây, theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng), chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng thẩm định cả hai bước thiết kế. Thứ nhất là bước thẩm định thiết kế cơ sở. Thứ hai là bước thẩm định thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở. Sau khi qua 2 bước thẩm định rồi sau đó, mới được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng.
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TPHCM than phiền, quá trình đầu tư một dự án nhà ở phải qua quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp. Để hoàn thành thủ tục một dự án thời gian trung bình từ 3 đến 6 năm.
Vị này cho biết, bên cạnh các khâu định giá đất; giải phóng mặt bằng; phê duyệt quy hoạch 1/500; khâu thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật cũng mất rất nhiều thời gian vì phải trình ra Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, khi Luật Xây dựng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6, công đoạn thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-BXD cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I (là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 m).
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, việc tích hợp và cho phép thẩm định ở phía Nam sẽ giúp các chủ đầu tư dự án nhà ở (quy mô 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 mét), trên địa bàn TPHCM, thành phố Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây.
Một điểm đáng chú ý nữa được quy định trong Luật Xây dựng (sửa đổi) là việc quy định rõ thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, thời gian thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định không quá 40 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày.
Dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 25 ngày.
Dự án nhóm C, thời gian thẩm định không quá 20 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 15 ngày.
Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Hà Nội được giữ toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư phát triển hạ tầng
- TPHCM có nhiều dự án ODA nhất nhưng giải ngân rất thấp
- Hình ảnh dự án mở rộng đường vành đai 3 Hà Nội nhìn từ trên cao
- Minh bạch chia sẻ doanh thu trong dự án PPP rõ hơn
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thị trường địa ốc “hồi sinh” hậu Covid-19
- Xã hội hóa hạ tầng: khó cho đường thủy và chống ngập
- Thủ Thiêm vẫn còn nhiều giấc mơ dang dở
- TPHCM chuẩn bị đầu tư hàng loạt dự án ở cửa ngõ
- Hàng trăm dự án treo ở TPHCM đang chờ kích hoạt
- Ai đủ khả năng làm tám dự án cao tốc Bắc - Nam?