Dù Luật PPP đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2021 nhưng ở 5 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) sẽ không áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về lưu lượng xe, theo Bộ Giao thông Vận tải.
Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 20/7, đến nay 5 dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP đã bán được 14 bộ hồ sơ cho 14 nhà đầu tư.
Theo kế hoạch đến cuối tháng 9/2020, sẽ bắt đầu mở thầu các dự án khi đó mới biết chính xác sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Dù thời điểm mở thầu vẫn chưa diễn ra nhưng ở thời điểm này nhà đầu tư còn nhiều thắc mắc gửi về Bộ Giao thông Vận tải.
Đầu tư đường cao tốc cần số vốn rất lớn, nhà đầu tư mong muốn có sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước thì mới tham gia đầu tư (Ảnh: Anh Quân)
Vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất là việc Luật PPP có quy định về chia sẻ rủi ro của dự án, tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu của 5 dự án cao tốc Bắc – Nam chưa có bất kỳ nội dung nào liên quan đến vấn đề này?
Trả lời các nhà đầu tư, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), cho biết, tại Điều 82 của Luật PPP quy định, nếu dự án muốn được chia sẻ rủi ro thì phải được đưa vào phê duyệt từ bước chủ trương đầu tư. Còn 5 dự án cao tốc Bắc – Nam làm theo hình thức PPP không nằm trong quy định đó vì dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi Luật PPP được ban hành.
Dù không có cơ chế chia sẻ rủi ro nhưng tại Khoản 3, Điều 101, Luật PPP, quy định trường hợp ký kết hợp đồng sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực sẽ tiến hành đàm phán các nội dung chưa phù hợp. Tuy nhiên, tất cả nội dung đàm phán không làm thay đổi chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trước việc không được chia sẻ rủi ro, một nhà đầu tư đã từng đầu tư dự án BOT quốc lộ 1A cho biết, đa phần các nhà đầu tư khi làm dự án đều đi vay ngân hàng, với biến động khó lường hiện nay của tình hình kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Hơn nữa, bài học về sự thay đổi chính sách trong việc đầu tư các dự án BOT trong những năm qua khiến nhà đầu tư có phần chùn bước. Đó là chưa kể quy định hiện nay, việc làm đường BOT phải làm trên đường mới để người dân có quyền lựa chọn giữa đường do nhà đầu tư làm và đường do nhà nước làm. Nhà đầu tư này cho rằng, nếu không được chia sẻ rủi ro rất khó để thu hút nhà đầu tư tham gia đấu thầu.
Hồi tháng 5/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý chuyển cả 8 dự án thành phần từ hình thức PPP sang đầu tư công theo đề xuất của Chính phủ. Thay vào đó, Quốc hội chỉ đồng ý chuyển 3 dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Năm dự án còn lại gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vẫn đầu tư theo hình thức PPP. Hiện nay, dự án cao tốc Bắc Nam đã được bàn giao mặt bằng sạch 569 km trong tổng số 653 km (đạt 87%). Dự kiến đầu qúi 4-2020 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công. |
Lê Anh
(TBKTSG)
- Mỗi tuần, TPHCM giải ngân 900 tỉ đồng mới đạt chỉ tiêu đầu tư công
- Bộ Xây dựng ban hành Thông tư về hồ sơ thiết kế kiến trúc và mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc
- Hai cổ đông lớn của Vinaconex đồng loạt thoái vốn
- Quản lý quỹ bảo trì, "điểm nóng" gây xung đột ở chung cư
- Khu công nghệ cao Hòa Lạc hơn 2 thập kỷ vẫn "chạy đà"
- Bộ Tài nguyên và Môi trường bất ngờ hủy thanh tra hàng loạt dự án bất động sản
- Xây dựng tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
- Tăng vốn, thúc đẩy giải ngân có đẩy dự án hạ tầng đi nhanh hơn?
- Công ty con của Vingroup muốn đầu tư 4 dự án quy mô gần 80.000 tỷ
- Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ gỡ vướng khi khắc phục sai phạm đất đai