Khu đất "vàng" ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM có diện tích 446,8m2 đã được Tổng công ty Chè Việt Nam chuyển nhượng cho Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB mà không qua đấu giá.
Khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM. (Ảnh: tuoitre.vn)
Loay hoay thu hồi hồi đất bị lấn chiếm
Tổng diện tích đất bị lấn chiếm của 3 tập đoàn và tổng công ty là 19.855,2 ha, nhưng đến nay mới thu hồi hơn 1.614,1 ha. |
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam do Thanh tra Chính phủ ban hành đã cho thấy có hơn 180.000 ha đất tại 30 tỉnh, thành xảy ra sai phạm, tồn tại cần xử lý. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm của 3 tập đoàn và tổng công ty là 19.855,2 ha, nhưng đến nay mới thu hồi hơn 1.614,1 ha.
Với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, diện tích bị lấn chiếm trước khi địa phương giao đất là gần 9.900 ha. Đến ngày 31-12-2017, tổng diện tích đất bị lấn chiếm tăng lên 10.710 ha. Nhưng hiện doanh nghiệp, cùng địa phương mới chỉ phối hợp thu hồi được 363 ha.
Trong đó, một số công ty thành viên của tập đoàn này có diện tích đất bị lấn chiếm lớn, gồm: Công ty cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai bị lấn chiếm 1.4840,8 ha; Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa bị lấn chiếm 1.728 ha; Công ty Phú Riềng bị lấn chiếm 5.321,2 ha
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này - theo cơ quan thanh tra - là do diện tích đất địa phương giao cho các công ty theo ranh giới quy hoạch sử dụng đất, khi nhận bàn giao đất và khai hoang trồng cao su thì phát hiện một số diện tích đã được người dân canh tác lâu năm, chưa có hồ sơ pháp lý đất đai. Thậm chí, một phần diện tích đất đã được người dân sử dụng, canh tác trong thời gian dài trước khi nhận bàn giao đất.
Với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, tổng diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm là hơn 8.600 ha. Doanh nghiệp đã thực hiện thu hồi 1.251 ha.
Bên cạnh gần 20.000 ha đất bị lấn chiếm, tổng diện tích đất bị chồng lấn, tranh chấp của ba tập đoàn, tổng công ty là 2.958,2 ha. Nhưng các doanh nghiệp phối hợp với địa phương mới chỉ thu hồi được 113,71 ha. |
Theo cơ quan thanh tra, nguyên nhân chính dẫn dẫn tới tình trạng này là do các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp với phần lớn diện tích dất chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể. Vì vậy, việc thu hồi đất - sau khi bị lấn chiếm - gặp nhiều khó khăn, không thể giải quyết dứt điểm do hồ sơ đất đai trước đây chưa đủ giấy tờ pháp lý.
Một nguyên nhân khác cũng được đơn vị này nhắc tới là một số diện tích đất để trống nhiều năm đã tạo điều kiện cho người dân tiến hành lấn chiếm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nhận khoán rừng và đất rừng khi hết chu kỳ nhận khoán cũng không ký lại hợp đồng nhận khoán và không trả đất cho bên giao khoán.
Với Tổng công ty Chè Việt Nam, tổng diện tích đất bị lấn chiếm chỉ là 497,53 ha, tập trung chủ yếu tại Công ty cổ phần chè Phú Đa - một công ty liên kết với Tổng công ty. Tuy nhiên, toàn bộ phần đất bị lấn chiếm này tới nay vẫn chưa thể thu hồi do các đơn vị và cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Nhiều mảnh đất “vàng” của Nhà nước rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân
Bên cạnh những khó khăn gặp phải trong quá trình thu hồi đất bị lấn chiếm, ba tập đoàn, tổng công ty nêu trên đã để xảy ra nhiều sai phạm khi sử dụng đất được giao sai mục đích gây lãng phí. Thậm chí, có đơn vị đã thực hiện chuyển nhượng đất trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước, theo Thanh tra Chính phủ.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa đúng quy định của luật Đất đai; cho mượn đất làm nhà rồi bị dân lấn chiếm đến nay chưa thu hồi được. Đặc biệt, Công ty Tài chính cao su đã mua tài sản là nhà, đất không đúng quy định pháp luật như không tiến hành đấu thầu, ký hợp đồng mua tài sản khi chưa lập dự án đầu tư.
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam có 83 cơ sở nhà, đất và đã sắp xếp xử lý được bảy cơ sở. Đáng chú ý, mảnh đất tại địa chỉ số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội - gồm 12 gian nhà tầng 1 với diện tích hơn 343 m2 - thuộc quyền quản lý và sử dụng của Tổng công ty Lâm nghiệp và nằm trong danh mục tài sản cố định đã được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, theo xác nhận của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội vẫn thực hiện thủ tục đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích trên cho Công ty cổ phần Thương mại lâm sản Hà Nội vào năm 2007. Thương vụ này sau đó đã bị cơ quan thanh tra kết luận là vi phạm nhiều quy định pháp luật.
Tổng công ty Chè Việt Nam đã đưa 12 khu đất vào liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định đất đai.
Cụ thể, tại số 25D Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với diện tích 60,9 m2 do Tổng công ty Chè Việt Nam ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường thuê có thu tiền thuê đất hằng năm. Sau đó, cơ sở nhà đất này được đem góp vốn liên doanh liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh để xây dựng khu nhà trung tâm thương mại và dịch vụ.
Đến nay, Tổng công ty Chè Việt Nam đã thoái vốn và toàn bộ tài sản này đã được chuyển giao cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh quản, lý sử dụng.
Tương tự, sau một thời gian hợp tác, khu đất "vàng" ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM có diện tích 446,8 m2 cũng được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB.
Trước đó, HĐQT Tổng công ty Chè Việt Nam đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ GB vào năm 2009. Thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.
Nhưng đến năm 2013, HĐQT Tổng công ty lại ra nghị quyết về việc thực hiện thoái vốn qua hình thức chuyển nhượng lô đất ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhưng không thông qua đấu giá. Hiện Công ty GB đang quản lý sử dụng lô đất này và đã được chính quyền thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, các khu đất 1.500 m2 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và khu đất diện tích hơn 1.800 m2 tại 126 Lạch Tray, thành phố Hải Phòng cũng là đất công sản được giao cho chi nhánh của Tổng công ty Chè xây dựng hoặc cho thuê nhưng đến nay đều rơi vào tay tư nhân.
Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra những vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại địa chỉ: Số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; Số 25D Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; Khu đất 1.500 m2 tại Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; Số 59 An Bình, quận 5, TPHCM; Số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM và bảy khu đất khác tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Sơn La. |
Hoàng Thắng
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Chuyển 10 ha đất ở Đại học Quốc gia TPHCM thành đất ở
- Đà Nẵng đã được bố trí nguồn vốn trả nợ cho dự án đầu tư công
- Nhà đầu tư "xếp hàng" rót vốn cho dự án sân bay Long Thành
- Quy định chồng chéo, đề xuất bỏ quy định về kiến trúc nhà liên kế ở TP.HCM
- Đã đến lúc bỏ khung giá đất?
- Dòng tiền ngàn tỉ đổ vào khu Ba Son sau các thương vụ M&A âm thầm
- Thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
- Giá nhà dọc tuyến Metro phía Đông đã tăng 75% sau 5 năm
- Bộ Xây dựng trả lời về trục đường "chồng" lên khu tái định cư
- Vốn xây dựng thành phố Thủ Đức lấy từ đâu?