Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Vốn xây dựng thành phố Thủ Đức lấy từ đâu?

Vốn xây dựng thành phố Thủ Đức lấy từ đâu?

Viết email In

Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất của việc thành lập phát triển TP Thủ Đức đó chính là nguồn tài chính.

Tại Hội nghị lần thứ 43, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 24/7/2020, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh từ yêu cầu hình thành một vùng tăng trưởng mới, TP.HCM đề xuất hợp nhất 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức thành một TP trực thuộc TP.HCM, với tên gọi "TP Thủ Đức".

Việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.


TP Thủ Đức sẽ được thành lập trên cơ sở sắp xếp 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Đây là mô hình “Thành phố trong Thành phố”

TP Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000ha và có hơn 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM, được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ... mà gần 2 thập niên qua TP chưa thực hiện được.

Tuy nhiên, GS. Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đặt ra 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, dự án này phải tính đến hành vi thay đổi vĩnh viễn của con người, các tập đoàn tài chính, các tập đoàn đa quốc gia sau đại dịch Covid-19. Nếu không tính đến thì rất dễ mắc sai lầm.

Ông Thơ lấy ví dụ trung tâm tài chính quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất được xây dựng trên nền tảng các nhà hàng cao cấp, khách sạn 5-6 sao, cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ... nhưng ngày càng vắng khách và đang có nguy cơ phá sản.

Vấn đề thứ hai là TP.HCM lấy vốn từ đâu để đầu tư. Vấn đề thứ ba là nguồn vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này phải được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao.

Về nguồn vốn từ đâu, theo ông Thơ, có ý kiến đề cập đến quỹ đất nhưng quỹ đất là hữu hạn. Để có dòng tiền vô hạn, cần có môi trường và thể chế pháp lý thu hút đầu tư, tạo khu kinh tế đặc biệt để dòng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào tự do, chế độ visa thế nào để thu hút 8 triệu dân đến sống và làm việc nhanh chóng...


Theo ý tưởng quy hoạch của một công ty từ Mỹ là Sasaki Associates, Inc – đơn vị được UBND Tp.HCM trao giải nhất về quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông cuối năm ngoái, thành phố Thủ Đức trong tương lai sẽ có 6 trung tâm quan trọng.

Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố, trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển dần cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đất đai khu vực này xuất hiện tình trạng đầu cơ, do đó nên khoán phí đầu tư hạ tầng của thành phố đó trên từng m2 đất và mỗi m2 đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải nhà nước bỏ ra hết.

Để có nguồn vốn cho hạ tầng thiết lập thành phố mới, luật sư Nguyễn Thanh Hải, chuyên tư vấn về hạ tầng năng lượng khai thác, cho rằng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP) vừa được thông qua tiếp tục cho phép một số dự án cơ sở hạ tầng nhất định về điện, cấp nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (ở quy mô vốn đầu tư nhất định) có thể được đầu tư dưới dạng PPP dựa trên thỏa thuận nhượng quyền với các cơ quan nhà nước có liên quan.

Hiện nay, Việt Nam có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng PPP theo quy tắc PPP /BOT trước đây, nhưng hầu hết các dự án đã đầu tư là các dự án truyền thống như trong lĩnh vực giao thông có tổng số 220 dự án, chiếm 65,47%.

Tuy nhiên, đối với các dự án khu vực phát triển đô thị thông minh và công nghệ cao mới, nếu dự án được đầu tư theo hình thức PPP, khả năng đầu tư và khả năng ngân hàng của dự án sẽ đòi hỏi phải cải thiện và làm rõ hơn các quy tắc của PPP và dự án cần phải được cấu trúc đúng.

"Mặc dù đã thông qua Luật PPP nhưng để luật đi vào cuộc sống thì một trong những nhiệm vụ trước mắt là cải thiện hơn nữa hai dự thảo nghị định, trong đó, một nghị định để thực hiện một số điều của Luật PPP cung cấp thêm chi tiết về quy trình và thủ tục thực hiện dự án PPP và dự thảo nghị định còn lại làm cơ sở quản lý các khía cạnh tài chính của các dự án PPP" - Luật sư Hải cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trước mắt thành phố cần có vốn ngân sách để làm vốn mồi, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó cần thay đổi cơ chế, thể chế, bỏ Hội đồng nhân dân quận, phường để tránh làm kéo dài thời gian thực hiện một dự án.

Phương Uyên

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2695 khách Trực tuyến

Quảng cáo