Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao: Phát triển kinh tế vùng

Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao: Phát triển kinh tế vùng

Viết email In

Khu vực phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh trong tương lai, đặc biệt khi đề án thành lập thành phố Thủ Đức được triển khai.

Đây là khu vực có khả năng kết nối thuận lợi với Bình Dương, Đồng Nai nhờ hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, từ các tuyến đường đã và đang hình thành, cùng các cảng biển, cảng cạn, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong vùng.


(ảnh: Ashui.com)

Quy hoạch nhiều tuyến đường trọng điểm

Những năm gần đây, Thành Hồ Chí Minh đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị.

Tại khu vực phía Đông, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt công trình trọng điểm tạo điều kiện kết nối thành phố Thủ Đức với Bình Dương, Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố  Hồ Chí Minh, với việc hợp nhất ba quận để thành lập thành phố Thủ Đức, khu vực này sẽ có vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận. Đó là tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021; đường vành đai 3 (Mỹ Phước-Tân Vạn-Nhơn Trạch), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội.

Giữa năm 2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, quan điểm phát triển giao thông vận tải thành phố phải gắn liền với địa lý vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế. Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và mục tiêu phát triển trở thành đầu mối giao thông của vùng, đảm bảo sự động bộ cả về chức năng, vị trí, cấp kỹ thuật và quy mô quy hoạch.

Hiện nay, các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cũng đã và đang triển khai, quy hoạch các dự án giao thông mang tính kết nối vùng. Đầu năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Quốc lộ 13 nối ranh từ quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đến trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.

Công trình dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2023 tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng.

Một trong dự án hạ tầng giao thông đang thu hút sự chú ý lớn ở Bình Dương là tuyến xe buýt nhanh (BRT) do Công ty Liên doanh Becamex-Tokyu làm chủ đầu tư.

Quy mô đầu tư 1.827 tỷ đồng, với chiều dài 30,8km, đây là dự án mang tầm chiến lược hoạch định cả về hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.

Dự án sẽ kết nối thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên của metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, giúp mở rộng liên kết vùng, đặc biệt tạo liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, góp phần kết nối nhanh và rút ngắn giữa các trục giao thông giữa ba địa phương.


Tuyến metro số 1 (ảnh: Ashui.com)

Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng đường 319, trực tiếp kết nối cảng Phước An với cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Tháng 10 vừa qua, Đồng Nai khởi công xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2 (Biên Hòa), dự kiến sẽ hoàn thành sau 18 tháng, sẽ kết nối toàn bộ Hương lộ 2 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nhằm thay thế phà Cát Lái.

Đây là cầu vượt sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), giúp kết nối giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như toàn khu vực Đông Nam Bộ.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết những năm tới, Đồng Nai sẽ là một đại công trường với hàng loạt dự án lớn về hạ tầng được triển khai. Khi đường 319 và cầu Vàm Cái Sứt hoàn thành sẽ phá vỡ những bế tắc trong kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa (Đồng Nai) với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các công trình này sẽ giảm tải cho cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 51, giúp phương tiện, hàng hóa dễ dàng lưu thông, tiết kiệm thời gian đi lại Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai.

Phát huy lợi thế cụm cảng

Cùng với đường bộ, khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hệ thống giao thông đường thủy phát triển với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai…

Đây là khu vực thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái-Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam sẽ thuộc khu vực thành phố Thủ Đức tương lai, là nền tảng quan trọng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố  Hồ Chí Minh.


Quang cảnh cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 cảng cạn (ICD) đang hoạt động tại khu vực phường Trường Thọ (Thủ Đức).

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cụm ICD Trường Thọ nằm ở cửa ngõ phía Đông Thành phố, kết nối bằng đường bộ với Xa lộ Hà Nội qua Đường số 1, số 2 của phường Trường Thọ và kết nối bằng đường thủy qua sông Sài Gòn.

Đây là mắt xích đặc biệt quan trọng trong hệ thống hạ tầng trung chuyển hàng hóa tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò hậu phương cho các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại Bình Dương, hiện địa phương đang quy hoạch xây dựng 4 cảng đường sông trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, là các cảng chuyên đáp ứng trung chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu logictis của các doanh nghiệp.

Cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của tỉnh Bình Dương nằm tại hữu ngạn sông Đồng Nai đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1.

Đây là cảng thủy nội địa cấp 3 được sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp và container với quy mô 63ha, tổng công suất bốc dỡ 1-5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Bình Dương cũng có cảng An Sơn có khả năng tiếp nhận xà-lan từ 1.000 tấn đến 2.200 tấn; đang tập trung đẩy nhanh hoàn thành xây dựng cảng An Tây trên sông Sài Gòn có thể đón tàu có tải trọng 2.000 tấn…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết tỉnh rất quan tâm về phát triển giao thông đường thủy; trong đó chú trọng quy hoạch nhiều cảng chuyên dụng về trung chuyển hàng hóa.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng cảng An Sơn, cảng An Tây trên sông Sài Gòn và các cảng có công suất lớn trên sông Đồng Nai...

Đây là trục giao thông đường thủy huyết mạch trung chuyển container ra các cảng biển lớn; đồng thời cũng là giải pháp giảm tải cho giao thông đường bộ.

Tại Đồng Nai, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 44 cảng trên 4 sông lớn gồm sông Đồng Nai, Nhà Bè, Long Tàu và Thị Vải.

Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư dự án cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), đây là dự án cảng quy mô lớn của tỉnh Đồng Nai và hiện đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Dự án có diện tích hơn 180 ha, nơi đây chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60 ngàn DWT, gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3.000m.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, chưa bằng 1 nửa tổng số cảng đã được quy hoạch. Trong số này có 2 cảng có quy mô trên 100ha gồm cảng Nhà máy luyện phôi thép Sunsteel (Nhơn Trạch) và cảng Vedan (Long Thành).

Việc tập trung quy hoạch các cảng sông và phát huy tốt lợi thế giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai và Sông Sài Gòn, giải tỏa rất lớn cho giao thông đường bộ đang bị quá tải và ách tắc nhiều tuyến đường dẫn về các cảng biển lớn.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn là các trục đường kết nối đến cảng sông cần sớm đầu tư mở động để đảm bảo cho vận tải logistics.

Điều này sẽ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trong vùng./.

Tiến Lực-Chí Tưởng-Công Phong

(TTXVN / Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo