Quận 3 – một quận nằm ở trung tâm TPHCM – có thể phát triển thành đô thị trong tương lai hay không vì hiện nay quỹ đất tại quận này còn rất ít. Theo các chuyên gia nếu làm quy hoạch tốt thì thì cơ hội phát triển đô thị tại quận 3 vẫn còn tiềm năng.
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Quận 3 tiềm năng phát triển đô thị” diễn ra ngày 22/12 tại TPHCM. Tại cuộc hội thảo các chuyên gia đều cho rằng quận 3 vẫn còn cơ hội để phát triển đô thị.
Khu vực quận 3, hiện rất hiếm quỹ đất dành cho phát triển đô thị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu có giải pháp vẫn có thể chỉnh trang đô thị tại quận 3 (Ảnh: Anh Quân)
Tiềm năng còn hay đã hết?
Quận 3 với diện tích nhỏ (4,92 km2) chiếm 0,23 diện tích của TPHCM, trong khi dân số gia tăng, quỹ đất trống hiện nay còn rất ít. Vì vậy, việc phát triển đô thị theo hướng quy hoạch lại quỹ đất làm sao người dân vẫn có đủ đất ở, quận vừa có quỹ đất dôi dư đấu giá để đầu tư các công trình công ích đang là bài toán khó đối với chính quyền quận 3.
Tại cuộc hội thảo, ông Ngô Anh Vũ, người hiện làm việc tại Viện Quy hoạch xây dựng, nhận định rằng quận 3 dù đã phát triển đô thị ổn định, quỹ đất dành cho phát triển mới rất hiếm nhưng tiềm năng để phát triển đô thị vẫn còn nếu biết cách chỉnh trang đô thị theo phương thức tiên tiến.
Theo ông Vũ, địa bàn quận 3 có 48 điểm cần được xây dựng mới, trong bối cảnh “đất vàng” ở trung tâm TPHCM ngày càng khan hiếm, các khu đất chung cư hết niên hạn sử dụng ngày càng có giá trị lớn. Với 48 chung cư cũ ở quận 3 với diện tích gần 50.000m2 khi xây mới với hệ số sử dụng đất trung bình là mười lần thì quận 3 có khoảng 500.000m2 sàn xây dựng, tương ứng với giá thành khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ (dự kiến 5.000 đô la/m2).
Khi xây các chung cư cũ bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện cuốn chiếu lấy quỹ nhà ở dự án này để bố trí tạm cư cho dự án kia. Khai thác không gian ngầm cho các chức năng thương mại dịch vụ đối với các chung cư nằm trong bán kính 500m đến các nhà ga metro.
Trong tương lai ga Sài Gòn sẽ chuyển về Thủ Thiêm nên diện tích khoảng 20ha của nhà ga này cần phát triển cả trên mặt đất và không gian ngầm. Ngoài ra, quận 3 có thể phát triển các phố đi bộ…
Tương tự giảng viên Nguyễn Bảo Thành, Khoa Xây dựng, Đại học mở TPHCM, cho rằng cải tạo đô thị quận 3, cần áp dụng công cụ dồn điền đổi thửa. Tại quận 3 hiện nay chỉ còn quỹ đất lớn ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật và khu nhà ga xe lửa Sài Gòn. Khi quy hoạch lại các khu đất này có thể làm khu dân cư cao tầng dùng cho tái định cư còn lại làm mảng xanh.
Hầu hết các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo này cho rằng quận 3 còn tiềm năng phát triển thành khi đô thị vệ tinh của TPHCM, nhưng vấn đề ưu tư của họ là làm theo hướng nào?
Kiến trúc sư Nguyễn Thiềm đặt câu hỏi, giải pháp quy hoạch nào cho phát triển đô thị ở quận 3? Ông cũng trả lời luôn câu hỏi này theo hướng cần quy hoạch cải tạo chỉnh trang quận 3, không tăng thêm dân số do cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của các quận này đã quá tải ít mang lại sự đột phá về phát triển. Vì vậy, không quy hoạch phân khu theo vùng lãnh thổ mà quy hoạch phát triển theo hành lang như hành lang giao thông công cộng (TOD); hành lang kiến trúc cảnh quan ven sông, rạch…
Đề xuất tạo phố đi bộ ngầm từ ga nhà hát đến Hồ Con Rùa
Một số chuyên gia cho rằng, khu vực quận 3 chủ yếu là phát triển dịch vụ đô thị. Do vậy nên định hướng phát triển quận 3 gắn với thương mại, dịch vụ.
Trong bài trình bày tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Tô Kiên, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đề xuất 3 phương án chỉnh trang đô thị ở quận 3.
Thứ nhất, xây dựng một tuyến đi bộ từ nhà hát thành phố qua Hồ Con Rùa tới giao lộ Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Đình Chiểu. Trên trục đường đi bộ này lát vỉa hè nghệ thuật để tạo điểm nhấn. Đồng thời, tạo tuyến xe buýt hop on - hop off miễn phí chạy con thoi để khuyến khích người dân và du khách di chuyển nhiều bằng xe buýt trên tuyến này.
Thứ hai là tạo tuyến không gian đi bộ và thương mại ngầm dài 500m nối từ nhà hát thành phố tới Hồ Con Rùa.
Thứ ba là chỉnh trang không gian xung quanh khu vực Hồ Con Rùa; chỉnh trang giao lộ Phạm Ngọc Thạch -Võ Thị Sáu; mở rộng hẻm 146 Võ Thị Sáu để tạo quần thể công trình lớn có liên kết với nhà thờ Tân Định. Đồng thời, chỉnh trang đường Bà Huyện Thanh Quan thành con dường di sản biệt thự pháp.
Về phía chính quyền TPHCM, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng dù trong tương lai TPHCM có các khu đô thị vệ tinh nhưng quận 3 vẫn là quận trung tâm và giữ vai trò quan trọng. Việc quy hoạch phát triển đô thị tại một quận đã đô thị hóa như quận 3 khi quỹ đất không có nhiều thì cần tái cấu trúc đất đai, sắp xếp các khu chức năng hợp lý, gắn với chỉnh trang khu dân cư hiện hữu. Do vậy, quận 3 cần phát triển chiều cao kết hợp với khai thác không gian ngầm và phát triển hài hòa với không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Lê Anh
(TBKTSG)
- Các thành phố lớn sẽ sụp đổ hay thân thiện hơn sau Covid?
- Lâm Đồng: Quy hoạch 5 đô thị vệ tinh giải “nén” cho thành phố Đà Lạt
- Hai phương án hồi sinh sông Tô Lịch
- Tìm cách gỡ rối cho tình trạng quá tải ở nội đô
- Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao: Phát triển kinh tế vùng
- UBND quận Hoàn Kiếm lập phương án đề xuất xây dựng con đường ven sông Hồng
- Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam trong quy hoạch xây dựng phòng chống bão lũ
- Đồng bằng Sông Cửu Long ra sao trong quy hoạch đến năm 2050?
- Quản lý phát triển đô thị di sản Đà Lạt và công tác quy hoạch
- TP.HCM điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án phát triển đô thị trọng điểm