Hiện nay, vấn đề quy hoạch 2 bên sông Hồng đang được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai. Đồng thời, việc quy hoạch hai bên sông Hồng sẽ kết hợp xây đê với đường, tạo thành 2 con đường ven hai bờ sông, giảm ùn tắc giao thông và kết nối với các cây cầu sắp triển khai bắc qua sông.
UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, lập đề án đề xuất việc xây dựng con đường ven sông Hồng (Ảnh minh họa: Internet).
Trước đây, Thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông. Khi kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giống như đô thị hai bên bờ sông Hàn (Seoul, Hàn Quốc). Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng sẽ theo thiết kế đê - đường hai bậc. Trong trường hợp nước sông Hồng dâng lên bậc thứ nhất, vẫn có thể có đường - đê lưu thông ở bậc thứ hai. Thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy, Thành phố Hà Nội đề nghị bộ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt.
Tìm hiểu được biết, vấn đề quy hoạch chưa được triển khai do đang vướng nhiều luật. Để tháo gỡ vấn đề này, Bí thư Thành ủy cũng đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện thành phố đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng để thực hiện quy hoạch phân lũ này.
Ngoài ra, khu vực này còn vướng Luật đê điều và quy hoạch phân lũ nên toàn bộ các công trình về điện đường, trường trạm ở ngoài khu vực bờ sông không triển khai được. Thực tế cho thấy, các công trình ở đây gặp nhiều khó khăn trong quá trình tu bổ, sửa chữa hoặc xây dựng.
Vì thế, việc xây đê sẽ kết hợp với đường, tạo thành 2 con đường ven hai bờ sông sẽ giảm ùn tắc giao thông và kết nối với các cây cầu bắc qua sông hiện tại và trong tương lai, kết nối với các bãi nổi để sau này trở thành khu du lịch sinh thái trên bãi nổi.
Mô hình đê kết hợp với đường đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thưc hiện. Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng, sẽ làm theo thiết kế đê - đường hai bậc. Trong trường hợp nước sông Hồng dâng lên bậc thứ nhất, vẫn có thể có đường - đê lưu thông ở bậc thứ hai.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thuận lợi cho thiết kế nhiều công trình đường và cầu qua sông Hồng, với cốt đê 13,2m vẫn có thể đảm bảo phân lũ, nhất là khi trên thượng lưu sông Hồng đã có 3 thủy điện lớn hỗ trợ điều tiết lũ.
Con đường ven sông Hồng nằm trong Đề xuất các giải pháp triển đô thị khu vực dọc bờ sông Hồng và khu vực lõi bên trong các trục đường chính tại khu vực ngoài đê thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm.
Theo quan sát thực tế, hiện trạng đường dân sinh bê tông ven sông ngắt quãng với chiều rộng mặt đường khoảng từ 2 - 4m. Mặt đường bằng bê tông dày khoảng 14cm đã được đầu tư mới. Tuy nhiên có nhiều hư hỏng, võng cục bộ tại một số vị trí như gần nhà trông giữ xe, chợ tự phát, vị trí giao cắt với hệ thống thoát nước mưa của khu vực xả ra lạch sông Hồng. Tuyến đường ven sông này chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sinh sống sát bên sông với xe máy, xe thô sơ là phương tiện giao thông chính. Xe con và xe tải lớn phải dừng đỗ ngoài ngõ lớn nên lưu lượng phương tiện tập trung vào đường Phúc Tân, Bạch Đằng dễ xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm và lúc có xe tải chở hàng đi qua. Dọc tuyến đường ven sông này cũng thường xuyên diễn ra tình trạng lấn chiến, đổ rác, chất thải xây dựng… tại khu vực bờ vở sông Hồng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, cản trở dòng chảy khi mực nước sông dâng cao.
Do vậy, để từng bước cải tạo chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị ven sông Hồng cũng như nâng cấp hệ thống giao thông khu vực ngoài bãi sông, UBND quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp để nâng cấp các đoạn đường dân sinh ven sông hiện có, xây dựng tuyến đường dọc ven sông Hồng nhằm hình thành tuyến đường ven sông phù hợp với định hướng Quy hoạch chung, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hoá và du lịch...
Khi tuyến đường ven sông hình thành sẽ tăng cường kết nối giữa khu vực trong đê và ngoài đê, giảm lưu lượng giao thông của trục Phúc Tân - Bạch Đằng, Hồng Hà và khai thác hiệu quả cảnh quan mặt nước sông Hồng. Đưa nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng tham quan, du lịch cho du khách trong và ngoài nước, khai thác thành không gian sáng tạo.
Điều quan trọng hơn cả, con đường được coi như ranh giới địa lý chống lấn chiếm bờ vở sông Hồng, đưa khu vực này từ nơi chứa rác và chất thải thành nơi có cảnh quan môi trường lành mạnh, sạch đẹp.
Theo phương án mà UBND quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu, tuyến đường ven sông được triển khai với mặt cắt ngang 15,5m gồm: 2 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp, mặt đường rộng 11m, vỉa sát nhà dân rộng 3m, vỉa hè phía sông rộng 1,5m đáp ứng đủ bố trí diện tích cây xanh hè đường, bố trí các hệ thống hạ tầng (như điện chiếu sáng, thoát nước mưa, thoát nước thải…) đảm an toàn giao thông, tăng mỹ quan đô thị.
Hướng tuyến cơ bản bám theo đường bê tông dân sinh hiện trạng, một số vị trí cục bộ như khu dân cư đông đúc, vị trí trụ cầu Chương Dương hiện trạng, vị trí đi qua đền Sơn Hải sẽ được tính toán, xử lý hài hòa đảm bảo theo các yếu tố kỹ thuật.
Ngoài ra, để nâng cấp hệ thống giao thông khu vực và kết nối với các tuyến đường có liên quan, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất nghiên cứu mở rộng 5 cửa khẩu gắn với 5 trục đường ngang kết nối lên đê hữu Hồng, 7 trục đường dọc với quy mô mặt cắt đường từ 11,5 - 24m và cải tạo các đường ngõ từ quy mô hiện trạng lên 3m theo quy chuẩn giao thông nội bộ trong đô thị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, khi Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được phê duyệt, việc hình thành con đường ven sông sẽ là cánh cửa rộng, đột phá để Hà Nội “bước ra” sông Hồng. Từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Sớm có Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng sẽ tạo được điểm nhấn mới về không gian cảnh quan trung tâm Thủ đô từ không gian xanh, không gian văn hóa – thể thao, đa dạng loại hình giao thông và đặc biệt cải thiện về chất lượng nhà ở cho người dân đang sinh sống ở hai bên sông Hồng.
Ánh Dương
(Báo Xây dựng)
- Lâm Đồng: Quy hoạch 5 đô thị vệ tinh giải “nén” cho thành phố Đà Lạt
- Hai phương án hồi sinh sông Tô Lịch
- Tìm cách gỡ rối cho tình trạng quá tải ở nội đô
- Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao: Phát triển kinh tế vùng
- TPHCM: Phát triển Quận 3 thành đô thị, theo hướng nào?
- Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam trong quy hoạch xây dựng phòng chống bão lũ
- Đồng bằng Sông Cửu Long ra sao trong quy hoạch đến năm 2050?
- Quản lý phát triển đô thị di sản Đà Lạt và công tác quy hoạch
- TP.HCM điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án phát triển đô thị trọng điểm
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường