Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đà Nẵng đã được bố trí nguồn vốn trả nợ cho dự án đầu tư công

Đà Nẵng đã được bố trí nguồn vốn trả nợ cho dự án đầu tư công

Viết email In

Bộ Tài chính vừa giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng. Đây là dự án đầu tư công có vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, đã được đưa vào sử dụng vào năm 2015 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán.

Dự án được đưa vào sử dụng vào năm 2015. Nhưng cho đến nay, nhà đầu tư của dự án - Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam (thành viên của Trung Nam Group) – được cho là chưa nhận được tiền theo hợp đồng đã ký.


Dự án nút giao thông khác mức (3 tầng) tại Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với giá trị hợp đồng 2.379 tỉ đồng.
(Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư)

Cụ thể dự án nút giao thông khác mức tại Ngã ba Huế thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với giá trị hợp đồng 2.379 tỉ đồng. Phương án thanh toán cho chủ đầu tư bố trí từ kế hoạch ngân sách hằng năm của Bộ Giao thông vận tải, bắt đầu từ năm 2017-2020; tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới có phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở Quyết định số 954/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng.

Và Bộ Tài chính vừa có công văn về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 cho dự án này với số vốn là 1.651,664 tỉ đồng.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có công văn giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Đà Nẵng triển khai thủ tực thanh toán vốn cho dự án này theo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Theo ghi nhận, trong những năm trước đó, Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam liên tục có văn bản gửi đến Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan “kêu cứu” về việc bố trí thanh toán vốn cho dự án trên.

Công ty từng xin chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ BT sang hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và tiến hành lập các trạm thu phí ở các tuyến đường lên xuống cầu vượt, khu vực công trình thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, kiến nghị này không được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận.

Bên cạnh việc chậm trễ, một trong những lý do khiến nhà đầu tư “sốt ruột” vì để có nguồn vốn đầu tư dự án này, công ty phải đi vay vốn thương mại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tháng 11/2019, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam và các đơn vị liên quan chủ động liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải sớm thanh toán phần kinh phí gần 554 tỉ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ.

Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục bố trí vốn thanh toán đối với phần kinh phí còn lại của dự án (là số tiền 1.825 tỉ đồng) từ nguồn dự phòng chung vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

Được biết, vào tháng 3/2015, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khánh thành công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2015).

Nút giao thông ngã ba Huế gồm 3 tầng: tầng mặt đất cho các nhánh rẽ với đường bộ không giao với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao với các nhánh rẽ, cầu vượt tầng 2 cho các hướng ưu tiên từ Huế về Trung tâm thành phố và ngược lại.

Đây là công trình giao thông rất phức tạp gồm đường bộ và đường sắt, thời gian chuẩn bị ngắn, thiết kế phức tạp và phải điều chỉnh khi triển khai và gần 500 hộ dân phải di dời.

Nhân Tâm

(TBKTSG)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1710 khách Trực tuyến

Quảng cáo