Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong số 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu ra, Nghị quyết nhấn mạnh tới việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.
(Ảnh minh họa: Ashui.com)
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để xem xét theo thẩm quyền một số chính sách liên quan đến đất đai nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế xã hội. Đề xuất bổ sung dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, trình Quốc hội khóa XV sớm nhất có thể theo trình tự, thủ tục quy định.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế- xã hội ngày 20/4/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước… Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới.
Trước đó, theo Quyết định số 548/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), việc tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Nguyên Môi trường đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó. Đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Đỗ Phong
(VnEconomy)
- TP.HCM: Chưa đánh giá được cơ chế đặc thù về bồi thường, tái định cư
- Nghị định 69 về cải tạo nhà chung cư: Đảm bảo an toàn, hài hòa lợi ích
- Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022 với 11 nhóm chính sách
- Triển khai các dự án tuyến vành đai 3, 4 TPHCM theo phương án PPP
- Tập đoàn Nam Cường: Khai sáng thị trường đầu tư bất động sản tại Hà Đông
- Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 24 khu đất sạch
- Bình Định tìm nhà đầu tư còn lại cho dự án du lịch “sinh đôi”
- Đề xuất doanh thu cho thuê nhà 200 triệu đồng một năm mới nộp thuế
- Hải Dương: 7.801 ha cho 1913 dự án
- Đồng Nai hủy 535 dự án với diện tích hơn 4.600 ha