Thí điểm TP.HCM được thực hiện cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố, tuy nhiên, vẫn chưa đủ thời gian để đánh giá đầy đủ về ưu và khuyết điểm của cơ chế này…
Theo UBND TP.HCM, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất vào tháng 3/2020, TP.HCM chỉ đạo các sở ngành và các đơn vị liên quan thực hiện.
(Ảnh minh hoạ)
Qua khảo sát ý kiến của UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức, đồng thời thống kê các dự án có đất ở, đất nông nghiệp được phê duyệt giai đoạn 2020 – 2021, ngày 04/5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến của người dân có đất thu hồi.
Quyết định nói trên quy định cụ thể đối với hệ số điều chỉnh đất ở vị trí 1 và hệ số điều chỉnh cho từng khu vực đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quyết định còn nêu rõ từng điều kiện cụ thể của từng dự án được cấp phép, rà soát, cân đối với các dự án có điều kiện hạ tầng kỹ thuật và kinh tế tương đồng được duyệt không quá 01 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp.
Theo UBND TP.HCM, hệ số điều chỉnh giá đất là cơ sở tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng tổng hợp, đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp. Đây là khâu quan trọng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, minh bạch trong thực hiện bồi thường, nâng cao sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi.
Là địa phương đầu tiên áp dụng cơ chế đặc thù nói trên, do đó UBND TP.HCM cho rằng thành phố không tránh khỏi lúng túng trong quá trình xây dựng phương án, dẫn đến ban hành hệ số điều chỉnh giá đất chậm so với tiến độ đề ra.
Vì chưa đủ thời gian, cơ sở để đánh giá đầy đủ và rõ nét các ưu và khuyết điểm khi áp dụng cơ chế đặc thù, UBND TP.HCM dự kiến tháng 12/2021 sẽ thực hiện sơ kết để đánh giá kết quả bước đầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định số 10 (ngày 04/5/2021) quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi (giá T1) năm 2021. Đất phi nông nghiệp, đất ở vị trí 1, hệ số K được quy định theo các quận chạy từ 4 đến 13, thấp nhất là quận Bình Thạnh có K=4, cao nhất là huyện Củ Chi với K = 13. Đất ở vị trí 2 hệ số K=0,5 vị trí 1; Vị trí 3 hệ số K= 0,8 vị trí 2; Vị trí 4 hệ số K=0,8 vị trí 3. Đất nông nghiệp theo khu 1 hệ số K=35. Đất nông nghiệp ngoài khu dân cư (nông nghiệp thuần) K=30; Khu vực 2 có K= 25; đất nông nghiệp thuần K=20; Khu vực 3 có K=20; đất nông nghiệp thuần có K=15; Khu vực 4 có K=15; đất nông nghiệp thuần có K=10. Đây là cách xây dựng giá T1 theo nghị quyết 27 ngày 09/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư… trên địa bàn TP.HCM. |
Mộc Minh
(VnEconomy)
- Đà Nẵng: Thu hồi đất ở nhiều dự án để làm công viên công cộng
- Ký hợp đồng BOT chuẩn bị xây dựng cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo
- Có 5 tỉnh, thành được đề nghị đầu tư 198 km đường vành đai 4 (TPHCM)
- Quảng Nam dành gần 50.000 tỉ đồng để đầu tư nhà ở trong 10 năm
- Đổi mới hệ thống pháp luật về đất đai để phù hợp nhu cầu phát triển
- Nghị định 69 về cải tạo nhà chung cư: Đảm bảo an toàn, hài hòa lợi ích
- Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022 với 11 nhóm chính sách
- Triển khai các dự án tuyến vành đai 3, 4 TPHCM theo phương án PPP
- Tập đoàn Nam Cường: Khai sáng thị trường đầu tư bất động sản tại Hà Đông
- Đề xuất bổ sung Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật sớm nhất có thể