TPHCM quyết định tạm dừng triển khai công trình nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Thủ Thiêm sau 29 năm lập dự án. Công trình này được tạm dừng vì vốn lớn và thành phố cần ưu tiên cho an sinh xã hội và phục hồi các ngành kinh tế.
Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách.
Theo danh mục dự án rà soát từ năm 2015 đến nay, TPHCM có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (vốn hơn 1.500 tỉ đồng) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2 (vốn đầu tư hơn 351 tỉ đồng).
Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm tạm dừng đầu tư sau 29 năm lập dự án. (Ảnh: Lê Quân)
Về lý do tạm dừng triển khai dự án nhà hát Thủ Thiêm, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư) cho rằng xét về nhu cầu hoàn thiện các thiết chế văn hóa xã hội thì cần có nhà hát. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.
Dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch được lập từ năm 1993. Đến năm 1999, TPHCM mới có ý định xây tại khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Tuy nhiên, địa điểm này bị cho là không phù hợp để xây công trình nghệ thuật.
Năm 2012, chính quyền thành phố quyết tâm khởi động lại việc xây nhà hát, chọn vị trí trong Công viên 23 Tháng 9. Nhà hát dự kiến có tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỉ đồng, rộng 1,2 ha bao gồm 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ; hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành. Công trình được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão – khu đất vàng của thành phố. Tuy nhiên, chủ trương này của thành phố tiếp tục gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Tháng 8/2017, UBND TPHCM quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) là địa điểm xây nhà hát. Tháng 10-2017, HĐND TPHCM họp phiên bất thường, thông qua chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2024.
Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm một khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.
V.Dũng
(KTSG Online)
- Quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay tầm quốc tế
- Kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai quốc gia tập trung vào 2025
- TP.HCM động thổ dự án 20.100 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
- Chống đầu cơ từ việc quản lý thuế đất và điều tiết giá trị gia tăng từ đất
- Diện mạo mới của toà nhà Saigon One Tower sau hơn một thập kỷ "đắp chiếu"
- Bị thu hồi "đất vàng" trung tâm TP.HCM, người dân có thể nhận đến 810 triệu đồng/m2
- Vùng ven Hà Nội và TPHCM trong 3 năm tới sẽ có đại đô thị
- Đề xuất định mức chi phí lập quy hoạch di tích
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu
- Đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo phương thức PPP