Ashui.com

Saturday
Nov 02nd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Một giai đoạn lạc nhịp của "đất vàng" trung tâm TPHCM

Một giai đoạn lạc nhịp của "đất vàng" trung tâm TPHCM

Viết email In

Việc các khu đất công ở trung TPHCM liên tiếp bị thu hồi, nhiều lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp thực hiện dự án trên các lô đất đó vướng vòng lao lý đã phác họa một giai đoạn “chuyển nhượng tự do” nằm ngoài quy định. Các kết luận thanh tra cho thấy, đất công được giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý đã chạy lòng vòng trong tay pháp nhân mới rồi chuyển đến đơn vị tư nhân, dẫn đến tình trạng thất thoát lớn cho ngân sách.


TPHCM đang đẩy nhanh thu hồi nhiều khu "đất vàng" trung tâm.
(Ảnh minh họa: Lê Vũ)

Thế "việt vị" của nhiều khu "đất vàng" ở TPHCM

Không thể thống kê đầy đủ về các thương vụ chuyển nhượng đất công tại TPHCM, nhưng những dự án sai phạm điển hình liên quan đã cho thấy rõ cơ quan quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng hay chuyển nhượng thường đi tắt và bỏ qua nhiều quy trình thủ tục. Đồng thời, họ đã tận dụng chủ trương cổ phần hóa để đất công ra khỏi doanh nghiệp Nhà nước bằng một pháp nhân mới.

Trong kết luận thanh tra mới đây chỉ rõ, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có dấu hiệu sai phạm khi góp vốn dự án tại 152 Trần Phú, TPHCM. Cụ thể, tổng công ty không thực hiện đánh giá lại tài sản, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng gần 31.000 m2 đất tại 152 Trần Phú mà không xin phép Thủ tướng.

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất gần 31.000 m2 tại 152 Trần Phú, TPHCM.

Hay như trước đó, UBND TPHCM đã ra quyết định thu hồi đất tại số 33 đường Nguyễn Du, số 34-36 và 42 đường Chu Mạnh Trinh đối với Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn. Đây là quyết định được đưa ra sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt mánh khoé của Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010, sau khi được TPHCM giao dự án bất động sản với diện tích hơn 6.200 m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại. Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1647/VPCP-KTN.

Gần đây nhất, việc bắt tạm giam chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gây xôn xao dư luận cũng liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM. Theo thông tin được đăng tải trên báo chí, tháng 7-2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM, do Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.


Tổng công ty Thuốc lá đã làm trái chỉ đạo, chuyển nhượng “đất vàng” tại 152 Trần Phú (TPHCM) mà không xin phép Thủ tướng.
(Ảnh: TP)

Từ những diễn biến về sai phạm ở các khu đất trung tâm được chỉ ra trong năm nay, có thể xâu chuỗi lại một giai đoạn “lạc nhip” của các dự án đất công với những vụ án gây thất thoát lớn.

Điển hình như khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc bấy giờ, vẫn không làm theo chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định.

Những sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại dự án này cũng đã khiến cho nhiều lãnh đạo Bộ Công Thương lẫn TPHCM thời điểm đó vướng vào lao lý. Mới đây Cục Thi hành án Dân sự TPHCM đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Viện KSND TPHCM bàn giao khu “đất vàng” này cho UBND TPHCM quản lý.

Hay như khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) cũng đã khiến một phó chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ bị khởi tố. Khu đất này được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và được giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho bốn công ty của Bộ Công Thương thuê đất, trả tiền hằng năm.

Năm 2008, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, bốn doanh nghiệp này nợ tiền thuê, không chịu dời đi và có nhiều văn bản kiến nghị UBND, Thành ủy TPHCM và Bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án.

Dù kiến nghị nói trên không được UBND TPHCM đồng ý, ông Nguyễn Thành Tài, lúc này là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vẫn ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh (góp 50% vốn điều lệ), liên kết với bốn công ty đang thuê (góp 50%). Sau đó dự án này được lập pháp nhân mới là Avanue cùng sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư tư nhân với tỷ lệ chi phối, dẫn đến tình huống gây thất thoát ngân sách.

Việc thành lập pháp nhân mới và chuyển nhượng cổ phần lòng vòng trong lòng doanh nghiệp nhà nước như là một dòng chảy ngầm để đất công TPHCM về tay tư nhân. Trong nội dung bài viết không thể thống kê hết các dự án được chuyển nhượng, nhưng các dự án liên quan đến đất đai thời gian qua cho thấy thị trường này đã trải qua một giai đoạn “giao dịch tự do” bên ngoài các quy định pháp luật.

Đẩy nhanh việc thu hồi để giảm thiểu sự lãng phí

Trong số nhiều vụ án sai phạm liên quan đến “đất vàng” ở trung tâm TPHCM, có các vụ án đang trong quá trình thi hành án và kết quả thu hồi đất là rất thấp. Từ thực tế này dẫn đến tình trạng các khu đất vẫn chưa được khai thác hết, bị bỏ hoang vì các yếu tố pháp lý gây lãng phí lớn.

Đơn cử, khu đất 8-12 Lê Duẩn gây thất thoát của nhà nước hơn 2.000 tỉ đồng và hơn chục năm qua dự án vẫn chưa được triển khai, chỉ trưng dụng làm bãi giữ xe. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng dù chưa xác định giá trị thất thoát cụ thể nhưng với vị trí đắc địa thì theo kết luận thanh tra là thiệt hại đặc biệt lớn.

Từ câu chuyện này, có thể thấy diễn biến thực tế là một số khâu quan trọng trong việc quản lý đang bị buông lỏng, để cho các bên tự liên doanh liên kết, tự ý chuyển đổi công năng khu đất thực hiện dự án bất động sản. Việc này hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đã mang lại lợi ích lớn cho các nhóm liên kết, nhất là trong bối cảnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Thời gian gần đây, TPHCM đang quyết liệt thu hồi “đất vàng” ở khu vực trung tâm, nhất là ở các vụ án trọng điểm về tham nhũng, lãng phí đã được tuyên và thuộc diện ưu tiên thi hành án. Tại một hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, ông Võ Văn Quận, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM, cho biết nhiều vụ án sai phạm về kinh tế, tham nhũng, lãng phí đã được tuyên án nhưng kết quả thi hành án còn chậm và chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Cũng tại hội nghị này, Phó trưởng ban Ban Đô thị HĐND TPHCM Huỳnh Hồng Thanh đã cho rằng, từ việc nắm bất các bất cập, vướng mắc ở cơ sở, HĐND TPHCM sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ từng bước, đồng thời cũng sẽ đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục có những kiến nghị cụ thể trình sở, ngành thành phố, nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả công tác thu hồi đất.

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1923 khách Trực tuyến

Quảng cáo