Theo báo cáo tổng hợp từ UBND các quận huyện, thị xã và các chủ đầu tư, mặc dù trong 3 tháng cuối năm 2009, đã có 103 dự án “nhanh chân” thúc đẩy giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 563 ha. Tuy nhiên, số dự án chậm vẫn cao hơn.
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội cho biết, kết quả tổng hợp, phân loại và kiểm tra tại một số dự án cho thấy, nguyên nhân gây ra tình trạng chậm giải phóng mặt bằng chủ yếu do những vướng mắc trong quy hoạch, thay đổi cơ chế chính sách, thiếu vốn đầu tư và do chủ dự án không tổ chức triển khai.
Trong nhóm các dự án chậm tiến độ, có 21 dự án (diện tích 333,1 ha) vướng quy hoạch, 15 dự án phải tạm dừng để rà soát quy hoạch sau khi mở rộng địa giới Thủ đô; 3 dự án chờ duyệt quy hoạch về phân lũ, đường sá, tổng mặt bằng; 2 dự án trùng một phần vào di tích văn hoá và 1 dự án trùng một phần diện tích do đã giao cho dự án khác liền kề. Trong số này, có Dự án Xây dựng Khu biệt thự nhà vườn và Dự án Trường dạy nghề Yên Bình của Công ty TNHH Yên Bình, Dự án Khu đô thị mới Trung Văn của CTCP Đầu tư xây dựng Hà Nội, Dự án Khu biệt thự nhà vườn và du lịch sinh thái Sunny Lights của CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Ánh Dương...
Với nhóm dự án này, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội đề nghị UBND Thành phố cho phép tiếp tục thực hiện trên cơ sở rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư và phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; đề nghị cho phép 2 chủ đầu tư dự án có phần trùng vào di tích văn hoá báo cáo đề xuất điều chỉnh cục bộ.
Nhóm dự án chậm do thiếu vốn để chi trả theo phương án phê duyệt gồm 7 dự án, chủ yếu do chưa có kinh phí chi trả, trong dó có 1 dự án (Dự án mở rộng vườn ươm) không có kinh phí triển khai.
Nhóm dự án chậm triển khai do khiếu kiện, thắc mắc về cơ chế chính sách gồm 68 dự án, với tổng diện tích đất 1.329,4 ha. Nguyên nhân chủ yếu do người dân bị thu hồi đất không muốn điều tra đo đạc.
Ngoài ra, một số bộ phận người dân bị thu hồi đất có tư tưởng chờ chính sách mới và do công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng chưa quyết liệt. Trong số này, có Dự án Điểm công nghiệp La Phù mở rộng của CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, Dự án Xây dựng khu đô thị mới Yên Hoà của CTCP Xây dựng dân dụng, Dự án Xây dựng nhà ga T2 của Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế…
Ngoài các nguyên nhân trên, còn có 65 dự án (tổng diện tích đất 1.899 ha) chậm triển khai, do vướng giải phóng mặt bằng (thủ tục đầu tư chưa đầy đủ, thiếu quỹ tái định cư, thay đổi chủ đầu tư, quyết định thu hồi đất hết hiệu lực phải gia hạn...).
Tiêu biểu là Dự án Đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây của Tập đoàn Nam Cường, Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Ngân hàng Chính sách, Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân của Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn, Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới (đoạn Hà Nội – Thái Nguyên) của Ban Quản lý dự án (Cục Đường bộ Việt Nam), Dự án Xây dựng hạ tầng khu đô thị Chi Đồng của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ cao VIT… Sau khi rà soát, kiểm tra, các cơ quan quản lý, chủ đầu tư đã thu hồi 2 dự án.
Vẫn theo số liệu thống kê tổng hợp, đã có 25 dự án mà nhà đầu tư không liên hệ với chính quyền, không thực hiện giải phóng mặt bằng, thậm chí chính quyền địa phương không có thông tin, không thấy tung tích của nhà đầu tư từ khi có quyết định giao đất. Với 25 dự án này, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng đề nghị UBND TP. Hà Nội giao UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đ.T.
Tin mới hơn:
- Life Resort Đà Nẵng sắp khai trương khu nghỉ dưỡng trên bãi biển Bắc Mỹ An
- Kenton Residences có 100 nhà đầu tư đặt mua
- Đầu tư 4,5 tỉ USD xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại Nam Định
- HUD bắt tay SAGRI
- Cả nước có 368 sàn giao dịch bất động sản
Tin cũ hơn:
- Dồn dập dự án địa ốc tại TP.HCM
- Xếp hạng chỉ số PCI 2009: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu
- CapitaLand tiếp tục liên doanh xây nhà tại Hà Nội
- Sunshine Hill Villas Phan Thiết ra mắt khách hàng Hà Nội
- Cơ hội mua lại đất đẹp