Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Thị trường bất động sản: Nhiễu thông tin

Thị trường bất động sản: Nhiễu thông tin

Viết email In
Thông tin thị trường được mỗi nơi công bố một kiểu, người tham gia thị trường như lọt vào ma trận, đến những chuyên gia am hiểu thị trường cũng lúng túng.

Số liệu “đá” nhau

Trong tháng 1.2010, hàng loạt báo cáo nghiên cứu về thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM được các công ty nghiên cứu thị trường có tiếng tại Việt Nam công bố.

Trong khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, lượng căn hộ chào bán trong quý 4/2009 tăng gấp 2 lần so với quý trước, với 11 dự án được chào bán khoảng 4.800 sản phẩm. Hiện giá nhà đất ổn định tại hầu hết các phân khúc trong suốt quý 4 vừa qua, giao dịch thành công tập trung ở phân khúc trung cấp và bình dân.

Kết quả này khác biệt khá lớn so với kết quả công bố của Công ty Savills Việt Nam. Vì theo khảo sát của Savills Việt Nam, trong quý 4/2009, thị trường tiếp nhận 5.500 sản phẩm mới.

Về nguồn cung căn hộ từ nay đến năm 2012, trong khi CBRE Việt Nam công bố dự kiến số lượng căn hộ đưa ra khoảng 60.000, thì Savills Việt Nam cho biết chỉ có khoảng 50.000 căn hộ được đưa ra trong giai đoạn này.

Theo giải thích của các công ty nghiên cứu thị trường, hiện nay hầu hết những thông tin về các dự án BĐS tại Việt Nam rất ít được các doanh nghiệp công bố, mà chủ yếu là giao dịch ngầm trên thị trường, bán theo kiểu trao tay.

Ông Adam Bury, Trưởng phòng nghiên cứu thị trường và tư vấn CBRE Việt Nam, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nhiều giao dịch trên thị trường BĐS thường là giao dịch ngầm, trong khi việc thống kê chỉ dựa trên những dự án công bố. “Một số dự án mua đi bán lại nhưng không thể biết rõ thông tin”, ông Adam Bury cho biết.

Chỉ số minh bạch thấp

Đưa ra những số liệu trên để thấy rằng, chỉ số minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất thấp. Điều này khiến thị trường không thể phát triển được, khi nhà đầu tư, người dân chưa thật an tâm về những thông tin do các chủ đầu tư cung cấp.

Mới đây, trong một hội nghị về đầu tư BĐS tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư cho rằng, nếu muốn thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, thu hút nhà đầu tư, người mua nhà đất thì những thông tin trên thị trường này phải minh bạch. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là thị trường BĐS Việt Nam hiện nay có chỉ số minh bạch thấp nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Boaz Boon, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu của Tập đoàn CapitaLand, đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư khi vạch ra cơ cấu chiến lược đầu tư một dự án, họ thường nhìn vào chỉ số minh bạch BĐS. Những thông tin từ các doanh nghiệp địa ốc đưa ra thường gây nhầm lẫn, thậm chí đánh lừa người mua, khiến họ gần như lọt vào ma trận thông tin khi muốn mua nhà đất.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, hiện nay thị trường BĐS đang bị nhiễu thông tin. Điều này không chỉ gây hại cho các nhà đầu tư, mà ngay cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhiều khi cũng “bối rối” trước các thông tin này.

Để giúp minh bạch hóa thị trường, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp bắt buộc các công ty khi bán nhà đất phải thông qua các sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, động thái này gần như không thể phát huy tác dụng, khi hầu hết các sàn giao dịch lập lên chỉ để có hình thức.

Ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Nam Việt, cho rằng hiện có rất nhiều sản phẩm căn hộ, đất nền được tung ra thị trường, nhưng những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận qua sàn chỉ là 10-15%. Bộ Xây dựng cũng cho biết những sản phẩm BĐS qua sàn chỉ chiếm khoảng 20-30%.

Giám đốc kinh doanh một công ty địa ốc tại TP.HCM nói rằng, hiện có đến 90% các dự án có vấn đề về pháp lý, nhưng họ thường không công bố những khiếm khuyết này. Hiện nay, các công ty khi làm dự án đều vay tiền ngân hàng hoặc huy động nên phải trả lãi. Trong khi đó, để một dự án hoàn thành các thủ tục pháp lý, ít nhất phải mất từ 2-3 năm. “Trước gánh nặng lãi vay, nhiều doanh nghiệp không thể chờ đợi quá lâu nên đã liều xây dựng dự án khi chưa hoàn thành giấy phép, thậm chí đã mang nhà-đất đi bán trước khi pháp lý hoàn thành”, vị này cho biết.

Do đó, khi công bố dự án, những thông tin bất lợi cho dự án, cho doanh nghiệp đều bị ém nhẹm. Những điều này có thể đưa đến rủi ro cho khách hàng như trường hợp dự án Adonis (H.Bình Chánh, TP.HCM) xảy ra năm 2009 là một điển hình.

Nguyễn Đình
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2600 khách Trực tuyến

Quảng cáo