Nhiều khu dân cư ở TP.HCM đã tồn tại cả chục năm nhưng bây giờ phải bị đào xới và buộc phải nâng nền nhà lên đến cả mét. Đây là hậu quả của việc tính toán cốt nền...
Báo Thanh Niên đã nhận được nhiều ý kiến phản ảnh của các hộ dân thuộc hai khu phố 9, 10 ở phường 14, Q.Gò Vấp. Theo các hộ dân, họ đã cư ngụ tại đây gần 10 năm và dự án mà họ mua đất xây nhà do Công ty Phương Nam làm chủ đầu tư. Đây là một trong nhiều dự án phân lô hộ lẻ tại Q.Gò Vấp cho đến nay vẫn đang được UBND quận yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hạ tầng cho đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND TP.HCM.
- Ảnh bên : Sẽ rất khó giải quyết tình trạng ngập lụt của thành phố với tình hình cốt nền không rõ ràng hiện nay (Ảnh: D.Đ.M)
Nâng đường, nhà dân khốn khổ
Vào tháng 10.2009, khi tính toán cao độ để nâng nền đường theo cốt chuẩn quốc gia, Công ty Phương Nam dựa trên kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn, đã nâng nền đường lên từ 0,6-1,1 mét. Vậy là nhà của hầu hết các hộ dân thuộc các tổ 63, 64 (khu phố 9) và tổ 72 của khu phố 10 (phường 14, Q.Gò Vấp) đều bị lọt thỏm xuống rất sâu so với mặt đường.
Ông Đàm Văn Lộc - ngụ tại số 5/29A Quang Trung (tổ 64) cho biết: "Khi đơn vị thi công đến xây dựng các hố ga và xây con lươn bao để nâng đường nội bộ trong khu dân cư này, chúng tôi mới bật ngửa vì mặt đường sẽ nâng quá cao so với nền nhà của dân. Nếu phải nâng nền nhà cho vừa mặt đường sau khi hoàn thành, dãy nhà của tôi sẽ phải nâng lên gần 1 mét".
Ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổ trưởng tổ 64 - cho hay: "Điều chúng tôi thấy bất ngờ là trước khi khởi công, chủ đầu tư không thông báo gì cả về việc sẽ nâng mặt đường cao lên như vậy. Sau đó, đào xới một thời gian, lắp đặt cống thoát nước và xây xong các hố ga, chủ đầu tư và đơn vị thi công lại bỏ giữa chừng, khiến cho người dân rất khổ sở".
Ông Nguyễn Tùng Thái - Bí thư Chi bộ khu phố 9 - cho rằng, nếu trước đây khi lập dự án khu dân cư này, cơ quan chức năng xác định cụ thể cốt nền trước khi bà con xây dựng nhà thì nay không phải gặp cảnh khốn khổ như vậy.
Quan sát thực trạng hạ tầng tại dự án của Công ty Phương Nam, chúng tôi nhận thấy, hầu hết nhà của dân xây dựng từ 7-8 năm trước đều có quy mô 2-3 tầng. Nhưng trước các dãy nhà, đường nội bộ bị đào xới và các hố ga cao ngất ngưởng vẫn còn dang dở. "Nếu không làm xong kịp trước mùa mưa, chắc chắn các tuyến đường này sẽ thành sông, và nhà dân cũng sẽ bị ngập hết", ông Huỳnh Thanh Tùng lo lắng.
Đề cập đến vấn đề cốt nền và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: "Để xem xét lại cốt chuẩn đối với thành phố đòi hỏi phải có "nhạc trưởng" và làm đồng bộ ngay từ bây giờ, phải xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ triều dâng, bản đồ các vùng thấp để có biện pháp đầu tư hạ tầng cơ sở tương ứng, hạn chế phát triển đô thị về phía thấp, tổ chức tốt hệ thống thoát nước cho lưu vực và cốt xây dựng cụ thể cho từng con đường vào nhà dân...". |
Có nên đắp đê?
GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường - cho rằng việc chậm trễ ban hành cốt nền chuẩn là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan chức năng TP.HCM. "Đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh xây nhà xong vào ở rồi sau đó lại phải đập bỏ để xây lại vì phải nâng theo nền đường là một việc làm không thể chấp nhận được. Cung cách quản lý này cần phải thay đổi, nếu không trong vài năm tới, sự tốn kém của dân sẽ nhân lên gấp nhiều lần", ông Bá nói.
Gần đây TP.HCM có một dự án đắp đê chống ngập triều do nước biển Đông với kinh phí dự toán lên đến hàng ngàn tỉ đồng, tuy nhiên ông Bá cho rằng: "Đây là một dự án cần xem xét lại và xem xét một cách nghiêm túc. Phải đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Có nên đắp đê không và nếu đắp thì đắp ra sao? Bởi xem xét các khả năng đất nền địa chất vùng TP.HCM với độ dày tầng mặt bùn lỏng và hữu cơ của bãi lầy có nơi sâu đến 40m mới đụng đến nền đất cứng, thì việc đắp đê như thế nào để không bị sụt lún, trôi, trượt là điều rất đáng nghiên cứu".
Cũng theo GS-TS Lê Huy Bá, nếu đắp đê thì lấy đất đâu để đắp cho đủ đối với một con đê độ cao 2-3m, nếu kể cả lớp đất bùn lỏng phải thay sâu đến 30-40m và bề mặt đáy của đê tối thiểu phải là 10m. Hiện nay, một vùng nhỏ đê bao chống ngập cho lúa và nông thôn vùng ven TP.HCM năm nào cũng bị vỡ qua vài trận triều cường, với một con đê quy mô lớn như vậy thì phải làm thế nào để chống đỡ với áp lực dòng triều cực lớn.
Mặt khác, nếu đắp đê bằng bê tông thì quả là quá tốn kém, không khả thi. Giả sử trong trường hợp có thể đắp được đê bao chống ngập triều cho TP.HCM thì phải kết hợp với các cống điều tiết ngăn triều ở các cửa sông, cửa rạch và vấn đề nước ngập trong nội thành do mưa sẽ giải quyết ra sao? Lúc đó nước thoát ra sẽ hết sức chậm và thời gian, độ ngập sẽ cao hơn. Hơn thế nữa, theo kết quả khảo sát, trong thành phần của đất ở vùng nam - tây nam và đông của TP.HCM chứa rất nhiều hữu cơ bán phân giải, tỷ lệ thường là 10% và có nơi đến 20-25%. Có nghĩa là khả năng thẩm lậu rất lớn, vì vậy mặc dù có đê nhưng nước dễ dàng xâm nhập qua lớp hữu cơ này, vấn đề đó sẽ phải giải quyết ra sao?
Trần Thanh Bình
>>
>>
>>
- HUD xây cao ốc 1.900 tỷ đồng ở Hà Nội
- Ồ ạt rao bán biệt thự, căn hộ triệu đô ở Đà Nẵng
- Sài Gòn “loạn” cốt nền - Bài 4: Giải pháp đang nằm đợi
- Cushman & Wakefield (Mỹ) chính thức hợp tác kinh doanh với PVFC Land
- Hà Nội muốn vay vốn nước ngoài để “gỡ vướng” công trình trọng điểm
- Chủ đầu tư khách sạn trong Công viên Thống Nhất muốn xin thêm đất
- Đốc thúc tiến độ 10 dự án tại khu “đất vàng” của Hà Nội
- Sài Gòn “loạn” cốt nền - Bài 2: Lạc hậu chỉ sau 3 năm
- Hà Nội chấp thuận triển khai một loạt dự án bất động sản
- Chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế