Lập được bản đồ 2 tỉ điểm độ cao
Dự án công nghệ LiDAR có mức dự toán đầu tư hơn 19 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục chi phí thuê thiết bị, phương tiện và dịch vụ, mua bản quyền phần mềm chuyên dụng, mua sắm các thiết bị tin học... |
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GISC) thuộc Sở KH-CN TP.HCM - cho biết, xuất phát từ tình trạng cốt nền chuẩn của TP.HCM nhiều năm qua vẫn chưa được ứng dụng hiệu quả và rộng rãi, GISC đã tham khảo để đưa ra một giải pháp để xác định cốt nền chuẩn cho tất cả các khu vực và đây cũng là giải pháp để đối phó với triều cường, vốn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM.
Giải pháp dùng công nghệ LiDAR (viết tắt từ Light Detecting and Ranging), theo ông Thanh là xây dựng một mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị cho thành phố. Đề án này được thuyết minh là một chương trình viễn thám mới bằng loại máy bay thích hợp, bay ở độ cao từ 800 -1.000 mét và quét lên bề mặt của mặt đất (kể cả dò độ cao thấp của đáy sông hoặc độ cao của mặt đất ở dưới tán cây) bằng tia laser để ghi nhận mọi dữ liệu thông tin về độ cao của bề mặt địa hình.
- Ảnh bên : Đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), một trong những con đường có số đo thực địa “vênh” rất nhiều so với bản đồ cốt nền chuẩn (Ảnh: Như Thảo)
Các chuyên gia của GISC cũng cho biết, nếu như bản đồ địa hình do các cơ quan chức năng cung cấp cho TP.HCM sử dụng hiện nay chỉ xác định được 608.797 điểm độ cao của TP.HCM và bình quân các độ cao cách xa nhau 50 mét thì khi sử dụng công nghệ LiDAR, có thể quét và lưu trữ dữ liệu được khoảng 2 tỉ điểm độ cao trên tổng diện tích 2.000 km2 của TP.HCM, khoảng cách mỗi điểm độ cao chỉ cách nhau từ 20-30 cm.
Chính vì độ chính xác và độ phân giải cao hơn rất nhiều so với các bản đồ địa hình trước đó, nên các mô hình ngập úng, mức triều cường và ranh giới các điểm ngập úng sẽ được cập nhật chi tiết hơn và bản đồ ngập úng này sẽ giúp cho người dân chủ động ứng phó với tình hình ngập lụt. Ngoài ra, ưu điểm của công nghệ LiDAR cũng sẽ giúp cho người tham gia giao thông biết được thông tin để chuyển hướng giao thông, tránh kẹt xe ùn tắc ở những giao lộ thường hay bị ngập lụt...
Ông Nguyễn Khắc Thanh đưa ra ví dụ, nếu nhập vào phần mềm của LiDAR dữ liệu triều cường của một khu vực tại Q.Bình Thạnh dâng lên trong ngày hôm sau là 1,51 mét, bản đồ mô hình ba chiều sẽ chỉ ra những điểm dân cư, những tuyến đường trong khu vực bị ngập và ngập sâu bao nhiêu. Với mực nước mưa hay nước biển dâng cũng có thể được công nghệ LiDAR đáp ứng như vậy. “Cho đến nay, các dữ liệu hiện có chỉ có tính 2 chiều, tức là chỉ thể hiện được các đối tượng địa hình, địa vật trên mặt phẳng mà chưa thể hiện được thông tin về chiều cao hoặc độ cao. Đây là một hạn chế lớn đối với các nhiệm vụ quy hoạch đô thị, vì vậy nếu có dữ liệu của mô hình 3 chiều, việc quản lý đô thị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Thanh nói.
Cốt nền sẽ rất rõ ràng
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tuấn - Trưởng phòng Tư vấn và dịch vụ thuộc GISC - giải thích với chúng tôi ngay trên máy tính của mình về ưu điểm của LiDAR khi xây dựng bản đồ cốt nền. “Bởi nguồn dữ liệu thu thập được từ công nghệ LiDAR rất chi tiết nên có thể sử dụng để xây dựng mô hình số độ cao (DEM) và mô hình số bề mặt (DSM) 3 chiều cho toàn TP. Qua đó Viện Quy hoạch xây dựng có thể sử dụng trực tiếp để thành lập cốt san nền của tất cả các khu vực, đồng thời sử dụng cả DEM và DSM để giám sát, quy hoạch san nền của các công trình trên địa bàn TP.HCM” - thạc sĩ Tuấn nói.
Trong một văn bản thẩm định dự án này, ông Trần Bạch Giang - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ (thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường) khẳng định: “Dự án ứng dụng công nghệ LiDAR xây dựng mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị tại TP.HCM là cần thiết. Việc lựa chọn công nghệ LiDAR làm giải pháp công nghệ thực hiện dự án là đúng đắn và phù hợp với chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ trong Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33 ngày 27.2.2008”.
Nhưng điều mà các chuyên gia thuộc Sở KH-CN băn khoăn là dù dự án công nghệ LiDAR đã được Hội đồng Nhân dân TP.HCM đưa vào danh mục thông qua các dự án đầu tư từ năm 2008 và UBND TP.HCM giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư bố trí nguồn vốn ngay trong năm 2009 để xây dựng và thực hiện dự án này, thế nhưng cho đến nay, dự án về công nghệ LiDAR vẫn chưa được các sở chuyên môn có ý kiến thẩm định cho đầu tư thực hiện.
“Chậm trễ triển khai dự án này là một thiệt thòi lớn cho các nhà quản lý và người dân. Bởi đây là một công nghệ có tác dụng rất tích cực đối với nhiều ngành, vì vậy chúng tôi cho rằng các sở chuyên môn được UBND TP.HCM giao nên lưu tâm hơn và sớm thẩm định đến dự án này để được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế” - một vị lãnh đạo Sở KH-CN phát biểu.
Trần Thanh Bình
>>
>>
>>
- Một tỷ USD xây dựng khu đô thị Parkcity Hà Nội
- Hà Nội thu hồi hơn 180.000 m2 đất cho khu đô thị mới
- Khi FDI là... đất và vốn nội
- HUD xây cao ốc 1.900 tỷ đồng ở Hà Nội
- Ồ ạt rao bán biệt thự, căn hộ triệu đô ở Đà Nẵng
- Cushman & Wakefield (Mỹ) chính thức hợp tác kinh doanh với PVFC Land
- Hà Nội muốn vay vốn nước ngoài để “gỡ vướng” công trình trọng điểm
- Sài Gòn “loạn” cốt nền - Bài 3: Loay hoay chống ngập
- Chủ đầu tư khách sạn trong Công viên Thống Nhất muốn xin thêm đất
- Đốc thúc tiến độ 10 dự án tại khu “đất vàng” của Hà Nội