Việt Nam là nước có tiềm năng thủy điện khá lớn, tập trung ở vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên do đó việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc phát triển quá “nóng” các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang dấy lên sự lo ngại trước nguy cơ phá vỡ quy hoạch và gây những thiệt hại nghiêm trọng mà hạ lưu phải gánh chịu.
Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá về quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ gần 40 dự án đã phê duyệt quy hoạch do không phù hợp với điều kiện thực tế, không đảm bảo hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến môi trường-xã hội và không có nhà đầu tư quan tâm.
Động thái này như một hồi chuông gióng lên trước làn sóng đầu tư thủy điện vừa và nhỏ.
Nảy sinh nhiều vấn đề
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa các thành phần kinh tế và hình thức đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ có công suất đến 30 MW, đến nay, Bộ Công Thương đã thỏa thuận, phê duyệt; bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố với hơn 880 dự án, tổng công suất lắp máy hơn 5.880MW (công suất trung bình 6,7 MW/dự án).
Số dự án tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Thanh Hóa; trong đó, tỉnh Lào Cai là nơi có số dự ánnhiều nhất với gần 110 dự án.
So với Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc ban đầu được Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Công Thương - phê duyệt ngày 18/10/2005 trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố, số dự án đã “vọt” lên hơn 540 dự án và tổng công suất lắp máy cũng tăng gần 4.360MW.
Chủ trương phát triển thủy điện nhỏ - nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác - là hợp lý, được ưu tiên trong các chiến lược và chính sách phát triển năng lượng đã được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, do phát triển quá “nóng” nên việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại phải giải quyế như thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nên Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã dễ dàng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng như chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện khiến Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.
Thực tế triển khai cũng cho thấy Ủy ban Nhân dân một số tỉnh chưa chú ý nhiều đến các yếu tố về xã hội, môi trường, phụ tải, hệ thống đấu nối điện, năng lực và kinh nghiệm của các nhà đầu tư… mà chỉ chú trọng đến yếu tố về kinh tế nên cấp phép đầu tư cho quá nhiều dự án, thậm chí cả những dự án không có trong quy hoạch và sau này phải kiến nghị bổ sung, điều chỉnh.
Trong khi đó, trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương đều lưu ý các tỉnh kiểm tra, xem xét kỹ sự phù hợp của quy hoạch thủy điện nhỏ với các quy hoạch khác trên địa bàn như phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, ảnh hưởng tới rừng, an ninh quốc phòng, môi trường… Đặc biệt, là tiến độ đầu tư các dự án phải phù hợp với tiến độ phát triển phụ tải và lưới điện truyền tải.
Đã có nhiều dự án thủy điện nhỏ được xây dựng không theo quy hoạch do đó khi xây xong không có đường đấu nối vào lưới điện quốc gia, lại kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có phương án giải quyết nhưng cũng rất khó vì chi phí đầu tư cho lưới điện đấu nối quá tốn kém lại không hiệu quả.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng việc cấp phép đầu tư và xây dựng nhiều dự án thủy điện nhỏ trong thời gian ngắn sẽ không đánh giá hết các tác động tiêu cực đối với môi trường-xã hội để kịp thời điều chỉnh và có biện pháp giảm thiểu. Đồng thời, việc cấp phép các dự án thủy điện nhỏ một cách tràn lan có nguy cơ phá vỡ Quy hoạch thủy điện đã được phê duyệt cũng như Quy hoạch lưới điện truyền tải.
Hiện nay, việc thẩm định, xem xét về Quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh và Thiết kế cơ sở các dự án đã được Ủy ban Nhân dân các tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
Tuy nhiên, do Sở Công Thương các tỉnh đều thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn thủy điện; việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan của tỉnh chưa thực sự chặt chẽ; công tác kiểm tra giám sát việc tuân thủ các qui định của Nhà nước về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như về quản lý chất lượng công trình cũng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Đồng thời, ngân sách cho nghiên cứu quy hoạch hạn chế nên chất lượng quy hoạch và thiết kế cơ sở của dự án chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm, quản lý chất lượng chưa chặt chẽ.
Thậm chí một số dự án còn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng công trình và an toàn đập. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo an toàn công trình đập và hồ chứa, vì sự cố công trình có thể gây tổn thất lớn về tài sản và tính mạng của nhân dân phía hạ du.
Đã có những dự án xảy ra khiếu kiện, tranh chấp về đầu tư tại một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng....
Trong khi đó, hầu hết các tỉnh lại chưa thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên về quản lý đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo quy định. Hiện cũng mới có 25 tỉnh có báo cáo về Quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Cần cân đối các lợi ích
Không thể phủ nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã và sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và ngân sách cho các địa phương có dự án; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Việc đầu tư xây dựng các hồ chứa thủy điện cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc trữ và điều hòa nước cho các nhu cầu khác, đặc biệt là vào mùa khô. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng khẳng định việc phát triển các dự án thủy điện phải cân đối các lợi ích.
Cùng với việc đề xuất loại bỏ gần 40 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã phê duyệt Quy hoạch, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh nghiên cứu điều chỉnh quy mô 35 dự án gây ảnh hưởng lớn đến môi trường-xã hội hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác của tỉnh.
Đồng thời, Bộ yêu cầu giãn hợp lý việc khởi công xây dựng các dự án phù hợp với tiến độ đầu tư hệ thống truyền tải điện và kịp thời rút kinh nghiệm về đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ.
Đối với các dự án chưa được xem xét trong Quy hoạch đấu nối điện, Bộ đề nghị chỉ khởi công xây dựng từ năm 2013 - sau khi Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Còn các dự án hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm, xem xét kỹ hiệu quả của dự án để cho phép đầu tư từ sau năm 2015.
Để tạo thuận lợi về đấu nối cho các dự án thủy điện, một số tỉnh đề nghị cho phép doanh nghiệp ngoài EVN đầu tư hệ thống truyền tải điện theo quy hoạch.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã lưu ý các tỉnh rà soát cụ thể danh mục, quy mô và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; đề xuất cụ thể về hình thức đầu tư, phương án vốn, tiến độ đầu tư, giá bán điện tăng thêm do đầu tư hệ thống truyền tải điện, phương án quản lý vận hành...
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh làm việc và thống nhất với EVN để có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét quyết định. Ngoài ra, việc yêu cầu các chủ đầu tư chủ động tìm đến nhau để cùng tham gia đấu nối một đường dây hạ áp sau đó đưa lên lưới 110kV sẽ là giải pháp giảm chi phí một cách hiệu quả nhất.
Trở lại việc phát triển “nóng” các dự án thủy điện, Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch và việc cấp phép đầu tư; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng nhằm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời phát hiện và khắc phục các hạn chế để đảm bảo mục tiêu: phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh xem xét các vấn đề liên quan đến năng lực, kinh nghiệm của Nhà đầu tư để có ý kiến trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thủy điện.
Mặt khác, tiếp tục kiểm tra, rà soát và thực hiện các thủ tục để loại bỏ hoặc nghiên cứu điều chỉnh hợp lý các dự án thủy điện thuộc các quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện có hiệu quả và hài hòa các lợi ích./.
Mai Phương
>>
- Rắc rối với đề xuất xây nhà diện tích siêu nhỏ
- OceanGroup và PVC hợp tác xây cao ốc trị giá khoảng 1 tỷ USD
- Ra mắt dự án 1 tỷ USD Cát Bà Amatina
- Sẽ có sân golf tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất?
- TP.HCM: kêu gọi đầu tư sáu tuyến metro
- Mánh lừa trong hợp đồng nhà đất
- Khu công nghệ cao TPHCM khởi động giai đoạn 2
- Công viên phần mềm Đà Nẵng đi vào hoạt động
- “Nút thắt” giải phóng mặt bằng
- Huy động vốn ngoại