Hàng ngàn tỉ USD đang nằm trong các quỹ đầu tư chờ rót vào các dự án tốt, nhưng các chủ đầu tư ở Việt Nam dường như chưa khai thác được nguồn vốn này, nên luôn trong tình trạng khát vốn.
Việc triển khai các dự án BĐS đòi hỏi nguồn vốn cực lớn, do đó chủ đầu tư phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Tại buổi hội thảo "Cách tiếp cận các nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài để huy động vốn hiệu quả" do Hiệp hội BĐS TP.HCM kết hợp Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp tổ chức, TS. William H.Davidson, chuyên viên tư vấn cho các quỹ đầu tư, cho rằng nguồn tiền từ các quỹ đầu tư quốc tế rất dồi dào, lên đến hàng ngàn tỉ USD, nhưng hầu như các chủ đầu tư Việt Nam khó tiếp cận được nguồn vốn này. Theo TS. William thông tin: Các quỹ đầu tư đều cho rằng những chủ đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận quỹ đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, thị trường BĐS Trung Quốc thu hút đến 50% quỹ đầu tư của nước ngoài phục vụ cho việc phát triển.
- Ảnh bên : Dự án Công viên Yên Sở do Tập đoàn Gamuda (Malaysia) làm chủ đầu tư (nguồn: Ashui.com)
Khi rót vốn vào đầu tư dự án, mối quan tâm hàng đầu của các đơn vị quản lý quỹ thường là những rủi ro khi đầu tư, chẳng hạn như rủi ro quốc gia, bao gồm cả những bất ổn về mặt chính trị. Đối với các quỹ đầu tư, họ thường không đặt nặng về giá trị lợi nhuận, mà điều quan tâm đầu tiên là thương hiệu của chủ đầu tư có đáng tin cậy, có sẵn phương tiện đầu tư gồm: đất sạch, sản phẩm BĐS sẽ đưa ra kinh doanh... Khi có quỹ đất sạch, định hướng kinh doanh, nguồn đầu tư tài chính minh bạch, có chính sách kiểm toán định kỳ, các chủ dự án BĐS cần có thêm giám đốc tài chính giỏi, kiểm toán tốt, bộ máy quản lý tốt, có đơn vị tư vấn luật… nếu chưa hội đủ các yếu tố trên, quỹ đầu tư sẽ không tham gia.
Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VinaCapital, ông Don Lam, trong một lần trả lời báo chí cho biết, mặc dù tham gia góp vốn vào doanh nghiệp, nhưng công ty ông thường không có tiếng nói trong việc ra các quyết định. Các chủ đầu tư thường kiêm luôn việc điều hành, và họ thường không muốn người ngoài tham gia. Hơn nữa, vấn đề về sổ sách kế toán, đặc biệt là số liệu quá khứ còn chồng chéo thiếu minh bạch. Đó chính là những hạn chế của doanh nghiệp khiến các quỹ từ chối đầu tư. Và ông Don Lam cũng chia sẻ thêm: Quỹ đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp khác hẳn với một quỹ mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, vì quỹ đầu tư vào doanh nghiệp sẽ gắn bó với doanh nghiệp trong một thời gian khá dài, khoảng 1-5 năm, hoặc 10 năm với những quỹ đầu tư vào BĐS. Do vậy, họ đóng góp vào việc xây dựng doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là góp vốn hôm nay để hôm sau kiếm lời.
Tại hội thảo nêu trên, TS. Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, phân tích: Vốn là vấn đề nan giải của các chủ đầu tư, ngoài các nguồn vốn huy động từ các kênh cổ điển lâu nay như góp vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, vốn vay của các quỹ tín dụng… các chủ đầu tư cần phải sớm chuẩn hóa các quy chuẩn mà các quỹ đầu tư đang áp dụng theo thông lệ quốc tế.
Đổ Khang
- Cảnh báo làn sóng đầu tư thủy điện vừa và nhỏ
- Mánh lừa trong hợp đồng nhà đất
- Khu công nghệ cao TPHCM khởi động giai đoạn 2
- Công viên phần mềm Đà Nẵng đi vào hoạt động
- “Nút thắt” giải phóng mặt bằng
- “Siêu dự án” tại khu vực sân bay Nội Bài
- Khu đô thị hiện đại nhất đồng bằng sông Cửu Long
- Vốn cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Có thể hơn mức 55,853 tỷ USD
- Long đong các dự án bất động sản ở Hà Nội
- Life Resort Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động