Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Gỡ vốn cho nhà ở xã hội

Gỡ vốn cho nhà ở xã hội

Viết email In

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 18, hiện cả nước có 263 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, 264 dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN (sau đây gọi tắt là nhà ở xã hội) đăng ký, với tổng mức đầu tư 132.700 tỷ đồng. Số lượng các dự án đăng ký khá nhiều nhưng thực tế các dự án đã khởi công lại chiếm con số khiêm tốn.

Loay hoay về vốn

  • Ảnh bên : Lãnh đạo Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Lãnh đạo TCty VINACONEX... cắt băng khánh thành chung cư thu nhập thấp tại Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Ngày 20/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 và các quyết định 65, 66, 67 nhằm đẩy mạnh, phát triển nhà ở xã hội.  Sau 1 năm triển khai, hiện cả nước có 263 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và 264 dự án nhà ở cho công nhân tại KCN đăng ký, với tổng mức đầu tư 132.700 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác là 123.400 tỷ đồng. Số lượng các dự án đăng ký khá nhiều nhưng thực tế các dự án đã khởi công lại chiếm con số khiêm tốn.

Phân tích thực tế, ông Đoàn Châu Phong - Phó Tổng giám đốc TCty CP Vinaconex nhận định: Để thực hiện được chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn này có 3 yếu tố mấu chốt cần giải quyết, đó là cơ chế chính sách, mặt bằng sạch và vốn. Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có cơ chế ưu đãi khuyến khích DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã có chủ trương chỉ đạo các địa phương lo quỹ đất sạch, các tỉnh thành cũng đã dành quỹ đất sạch nhất định. Như vậy, hai vấn đề trên đã triển khai tương đối tốt nhưng bài toán về vốn thì khiến không ít DN loay hoay.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay, thủ tục đầu tư phức tạp hơn dự án kinh doanh BĐS thông thường như các quy định về thiết kế, đấu thầu và phê duyệt dự toán... trong khi DN lại không được huy động vốn ngay sau khi thiết kế xây dựng xong phần móng như đối với nhà ở thương mại, là những lý do khiến danh mục các dự án đăng ký nhiều nhưng thực tế triển khai chưa nhiều.

Thực tế, một số DN lớn như VINACONEX, HUD… đã bỏ vốn tự có để triển khai dự án, nhưng đối với DN nhỏ, họ thừa nhận nếu không được vay vốn ưu đãi thì dù muốn tham gia chương trình cũng đành lực bất tòng tâm. Như vậy, nếu không có cơ chế ưu đãi, đặc biệt về vốn thì mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2015, 50% công nhân tại các KCN và người thu nhập thấp tại đô thị có nhà ở sẽ trở nên xa vời.

  • Ảnh bên : Chung cư 9T1 do VINACONEX Xuân Mai xây dựng với kỷ lục xây 9 tầng trong 9 tháng.

Gỡ nút thắt

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc triển khai chương trình trên địa bàn cả nước, Bộ Xây dựng đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải quyết việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi các dự án nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Hai bên thống nhất quan điểm, đưa chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp trở thành chương trình trọng điểm năm 2010, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện quyết liệt.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ yêu cầu các Sở giao dịch, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại các địa phương thẩm định, giải quyết việc cho vay theo danh mục các dự án giai đoạn I do Bộ Xây dựng đề xuất.

Ông Phạm Trung Tuyến - Trưởng văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cho biết: Trước mắt, việc giải ngân sẽ ưu tiên cho những dự án có đủ điều kiện triển khai ngay tại các đô thị lớn, địa phương có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Một số dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TT-Huế và Đồng Nai sẽ được lựa chọn làm thí điểm.

Theo ông Đoàn Châu Phong, đây là động lực tốt giúp đẩy nhanh chương trình, vốn kịp thời sẽ giảm thiểu được khó khăn cho chủ đầu tư, đồng thời thúc đẩy tiến độ các dự án, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra. DN được vay vốn ưu đãi, chi phí đầu vào giảm sẽ giúp giá thành căn hộ giảm, như vậy đối tượng hưởng lợi chính là người thuê, thuê mua, mua nhà ở. Giấc mơ sở hữu căn hộ của người thu nhập thấp đã và đang dần trở thành hiện thực.

Huyền Vũ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2541 khách Trực tuyến

Quảng cáo