Ngày 28/5, tại Hà Nội, VCCI đã tổ chức cuộc họp với những doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà cao tầng tại Hà Nội đang bị tạm ngừng, nhằm tổng hợp ý kiến trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 09/12/2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.
Doanh nghiệp kiến nghị những công trình đã được cấp phép trước thời điểm có ý kiến tạm dừng của Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục thức hiện
Theo phản ánh của những doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà cao tầng tại khu vực nội thành Hà Nội, các đơn vị đã đầu tư một nguồn vốn lớn cho những dự án này trong nhiều năm qua. Có dự án đã chuẩn bị di dời, giải phóng mặt bằng, xin cấp phép trong nhiều năm nhưng đến khi có thể khởi công xây dựng thì bị tạm ngừng.
Đa số các doanh nghiệp đều đã hoàn thành các thủ tục tài chính cần thiết, nộp ngân sách tiền thuê đất từ 150-200 tỷ đồng. Nguồn vốn này doanh nghiệp phải huy động từ tiền nhàn rỗi của người dân và vay ngân hàng với lãi suất xấp xỉ 18%/năm. Như vậy, các doanh nghiệp có dự án bị tạm ngừng phải chi hàng tỷ đồng trả lãi ngân hàng mỗi tháng mà chưa tìm được cách giải quyết.
Các doanh nghiệp kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ xem xét và cho phép các dự án, công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về: chủ trương đầu tư và quy mô của công trình; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc; đã phế duyệt nhiệm vụ quy hoạch; quy hoạch chi tiết; phê duyệt tổng mặt bằng; kiến trúc công trình đã được cấp phép trước thời điểm có ý kiến tạm ngừng của Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục thực hiện, nhằm giảm bớt thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp.
Đại diện công ty CP PVC cho rằng, nếu dừng các công trình một cách đột ngột như vậy sẽ gây phá sản cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó không có tiềm lực về kinh tế lớn. Chị Dương Thanh Thủy - Cty TNHH Minh Khang khẳng định, nếu dừng các dứ án nhà cao tầng đã được phê duyệt thì hàng trăm công ty sẽ bị phá sản, hàng tỷ đồng sẽ bị lãng phí. “Việc dừng các dự án đã được phê duyệt giống như chiếc xe đang chạy với vận tốc 80km/h, tự nhiên bắt nó dừng đột ngột thì nó sẽ lăn nhiều vòng mới dừng được, và khi đó hậu quả của việc dừng đột ngột này là rất lớn” - bà Thủy ví von. Còn Cty Cơ điện và Xây dựng Việt Nam thì khẳng định, việc dừng các dự án đã được phê duyệt không những gây hệ lụy về tài chính mà còn gây hệ lụy về xã hội….
Sau khi tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI Phạm Gia Túc đề nghị các doanh nghiệp tập trung đầy đủ những thông tin cần thiết bằng văn bản để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Với vai trò cầu nối của doanh nghiệp, VCCI sẽ phản ánh đầy đủ những vướng mắc này tới các ngành chức năng, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hồ Hường
>>
- Khu đô thị mới tây Hồ Tây: Bế tắc trong giải phóng mặt bằng
- "Sốt" ở thành phố mới Bình Dương!
- Siêu dự án treo, dân lãnh đủ
- Đô thị hoang giữa Hà Nội
- Nhà đầu tư "khu đất vàng" đề nghị hỗ trợ ngân sách TPHCM 1.500 tỉ đồng
- Bộ Xây dựng: Cho bán 20% sản phẩm nhà không qua sàn là hợp lý
- Cần chuẩn hóa từ khâu đồ án Quy hoạch xây dựng
- Thêm 200 triệu USD "đổ" vào khu kinh tế Vũng Áng
- Quốc hội thảo luận về Dự luật Thuế nhà, đất: Cần đánh thuế vào người đầu cơ
- Gỡ vốn cho nhà ở xã hội