Nhiều khu biệt thự, đô thị mới tại Hà Nội đang bị bỏ hoang. Chủ đầu tư khẳng định nhà đã được bán hết nhưng thực tế nhiều khu tỉ lệ người ở chưa đến 10%...
Khu Quang Minh I đã hoàn công từ năm 2006, đến nay số gia đình đến ở chỉ lác đác vài chục hộ. Thê thảm hơn, khu biệt thự Quang Minh do một đơn vị của Vinaconex xây dựng trên diện tích khoảng 20ha nằm kế bên khu Quang Minh I đến nay vẫn chưa có ngôi nhà nào hoàn thiện. Trên 100 biệt thự và nhà liền kề dãi nắng dầm mưa hơn một năm nay và chưa có dấu hiệu tái khởi công.
Nhà rộng để hoang
Tọa lạc trên địa bàn thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), ngay cửa ngõ vào thành phố từ sân bay quốc tế Nội Bài là hai khu đô thị Quang Minh với tổng diện tích trên 60ha do Công ty Long Việt và Vinaconex đầu tư.
- Ảnh bên : Khu biệt thự Phương Viên (Hoài Đức, Hà Nội) đã xong phần thô từ năm 2009, đến nay vẫn chưa được hoàn thiện (Ảnh: M.Quang)
Cuối tháng 5-2010, tại khu đô thị Quang Minh I, chỉ đi qua khu dịch vụ vài chục mét, một quang cảnh đìu hiu hiện ra. Hàng trăm căn biệt thự xây thô trải dài từ đầu phố đến cuối phố của khu đô thị đang bị cỏ dại che lấp. Trên những mảng tường gạch, những vệt rêu xanh đen đang liếm dần màu đỏ. Có những căn đang xây dở, cọc trụ chơ vơ, sắt thép han gỉ cạnh những giàn giáo gỗ mục.
Lác đác vài căn có người ở. Một chủ nhà trên đường Vĩnh Phúc (khu đô thị Quang Minh I) cho biết đã chuyển đến đây ở ba năm nhưng cùng thời gian chỉ có thêm một nhà hàng xóm ở cách đó hai dãy nhà. Do không gian biệt lập, vắng lặng nên buổi tối ở trong khu đô thị cũng như ở giữa cánh đồng rền rĩ tiếng côn trùng, không hàng xóm, không trò chơi cho trẻ em dù nơi đây được thiết kế đường sá rộng rãi, có khuôn viên cây xanh khá thoáng đẹp.
Vắng bóng người, nhiều cỏ dại Không chỉ khu đô thị Quang Minh, khu Nam Từ Sơn rơi vào tình trạng biệt thự bỏ hoang mà ngay tại khu vực trung tâm Hà Nội còn không ít khu biệt thự mọc lên sau những cơn sốt đất đến nay vẫn để không. Điển hình như khối biệt thự trên đường Phạm Văn Đồng thuộc dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh; khu biệt thự liền kề tại Mỹ Đình, Tứ Hiệp... Xa hơn nữa là những khu như Tiên Sơn (Bắc Ninh), khu tái định cư Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Tất cả đều được xây dựng từ hơn ba năm trước, hầu hết nhà cửa chỉ xong phần xây thô, có hình dáng khu đô thị nhưng đều trong tình trạng cỏ dại phủ kín, tường mái phong kín rêu xanh... |
Theo thiết kế, khu đô thị Quang Minh I có tổng diện tích 45ha với 400 căn nhà biệt thự liền kề và sân vườn. Ngoài ra, khu đô thị này còn có khu thể thao, câu lạc bộ văn hóa, trường học..., vốn đầu tư lên đến 600 tỉ đồng. Giá mỗi căn biệt thự thấp cũng 2,5 tỉ đồng, cao là trên 5 tỉ đồng.
Ông Lê Huy Giáp, giám đốc phòng giao dịch bất động sản Việt Long, phụ trách giao dịch nhà tại khu đô thị này, cho biết đến nay đơn vị đã bán được một số lượng nhà tương đối lớn nhưng chỉ vài chục hộ dân đến sinh sống, chiếm khoảng 10%.
Theo ông Giáp, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khu biệt thự này vắng khách là do hạ tầng khu đô thị chưa đảm bảo tiện lợi đi lại vào thành phố, từ khu đô thị này vào trung tâm Hà Nội mất khoảng 25km.
Hoành tráng phần thô
Nằm cách thủ đô Hà Nội không xa về phía bắc là nơi tọa lạc của khu đô thị mới Nam Từ Sơn với câu slogan nổi tiếng “Một không gian châu Âu trong lòng Hà Nội - Bắc Ninh”, nhưng từ khi xây dựng đến nay cả khu Nam Từ Sơn vẫn rơi vào tình trạng vắng người.
Chúng tôi được một nhân viên kinh doanh của Công ty Thiên Đức dẫn đi xem nhà khá niềm nở. Anh nhân viên này cho biết chỉ riêng giai đoạn 1, khu đô thị này đã mở rộng hoàn toàn trên khu đất 22,5ha, có biệt thự đơn lập, liền kề và dịch vụ tốt với hệ thống giao thông tiện lợi, điện nước đầy đủ... và có cả những khối cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, trường học...
Thế nhưng khu Nam Từ Sơn vẫn chưa có trường học hay trung tâm thương mại nào. Anh nhân viên kinh doanh này chống chế: “Do chưa có đông người ở nên chưa mở trường học hay siêu thị”.
Trên thực tế, khu đô thị này chỉ xây xong phần biệt thự thô và kiến trúc cảnh quan phụ trợ. Toàn bộ hệ thống dịch vụ như trường học, sân chơi... đều chưa được triển khai. Ngay cả đường dẫn vào khu đô thị này dù được mở rộng nhưng đến nay cũng mới rải đá cấp phối... Số hộ dân đến ở khu này mới lác đác đếm trên đầu ngón tay.
Tình trạng biệt thự nhà vườn hoang hóa tại đây tương tự khu Quang Minh I, phần những ngôi nhà xây thô đều um tùm cây cỏ mọc giữa nền nhà...
- Ảnh bên : Khu biệt thự Phương Viên nằm trong khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chưa có người ở, chỉ có những chủ đầu cơ mua đi bán lại, nâng giá đất lên cao để thu lợi nhuận (Ảnh: M.Q.)
Sau sốt nóng là hoang vắng
Theo đánh giá trong giới kinh doanh nhà đất, tình trạng biệt thự, khu đô thị bỏ hoang, chưa được lấp đầy là hệ quả của tình trạng đầu cơ về nhà đất. Thời điểm năm 2000-2001, thị trường nhà đất lên cơn sốt nên nhiều chủ đầu tư đổ tiền đầu tư các dự án xây dựng biệt thự, nhà vườn với mục đích kiếm lời.
Thực tế, những chủ đầu tư này đều thắng khi số lượng nhà bán ra đạt tỉ lệ cao. Nhưng do đầu cơ, nhiều người mua xong để đó, đẩy giá nhà đất lên cao, có cung nhưng không có cầu nên dẫn tới tình trạng các khu nhà hoang như trên.
Nguyên nhân thứ hai do những khu đô thị, biệt thự này đều ở xa trung tâm, mới chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần chứ chưa đảm bảo nhu cầu ở và làm việc của người dân, do đó khách hàng cũng chưa mặn mà.
Mặt khác, với giá trị tiền tỉ, những khu đô thị mới này hướng đến những người có nhiều tiền, trong khi đó người nghèo có nhu cầu về nhà ở lại không có tiền mua nên đô thị mới cũng không dành cho người nghèo.
Từ những nguyên nhân trên, hàng trăm, hàng ngàn hecta đất quanh thủ đô Hà Nội vẫn đang bị bỏ hoang trong khi quỹ đất để phát triển đô thị ngày càng eo hẹp.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm: Hệ quả của tình trạng “bổ sung quy hoạch” Theo tôi hiểu, khi đã có ý định xây dựng khu đô thị mới người ta mới tiến hành đưa vào trong quy hoạch, chứ không phải có một quy hoạch tổng thể. Nhiều nhà đầu tư thấy đất đó sinh lợi được, lập dự án đầu tư rồi mới xin phép đầu tư, xin bổ sung quy hoạch. Điều này xảy ra ở khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội), các khu đô thị mới ở Hà Tây cũ, khu đô thị mới ở Phố Nối (Hưng Yên) cũng thế. Tác hại của việc này là các khu ấy không kết nối lại được thành khu vực đô thị tạo ra bộ mặt đô thị hiện đại vì cứ rời rạc. Khi cho phép đầu tư, chính quyền xem qua quy hoạch, ra quyết định thu hồi đất, còn chi tiền giải phóng mặt bằng thường do các nhà kinh doanh bất động sản làm với sự giúp đỡ của chính quyền cấp huyện. Việc này dẫn tới nhà đầu tư bất động sản dẫn dắt chính quyền, trong khi lẽ ra chính quyền phải định hướng các khu quy hoạch để thị trường bất động sản ở đó phát triển mới đúng quy hoạch và liền dải, liền khu vực. Chuyện biệt thự bỏ hoang là do phát triển nhưng không nghiên cứu kỹ thị trường, để tồn tại những khu nhà dở dang làm mất mỹ quan đô thị. Cần ưu tiên sử dụng các biện pháp kinh tế, hành chính để chấn chỉnh tình trạng này. Chẳng hạn, buộc chủ dự án phải hoàn thiện để đảm bảo mỹ quan đô thị, nếu không sẽ bị xử phạt vì làm xấu đô thị... |
MINH QUANG - TUẤN PHÙNG
- 7.000 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà cho người thu nhập thấp
- Đà Nẵng: Tăng giá vì quỹ đất đã hết?
- Khu đô thị mới tây Hồ Tây: Bế tắc trong giải phóng mặt bằng
- "Sốt" ở thành phố mới Bình Dương!
- Siêu dự án treo, dân lãnh đủ
- Nhà đầu tư "khu đất vàng" đề nghị hỗ trợ ngân sách TPHCM 1.500 tỉ đồng
- Không nên tạm dừng việc xây dựng nhà cao tầng
- Bộ Xây dựng: Cho bán 20% sản phẩm nhà không qua sàn là hợp lý
- Cần chuẩn hóa từ khâu đồ án Quy hoạch xây dựng
- Thêm 200 triệu USD "đổ" vào khu kinh tế Vũng Áng