Hàng loạt 'siêu dự án' tỷ đô của nhà đầu tư nước ngoài 'dạm hỏi' trong mấy năm qua khiến dải đất ven biển miền Trung nóng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, vẫn chưa có dự án nào được thực hiện sau đó.
Nhà đầu tư rút lui, chính quyền lúng túng, còn người dân trong vùng quy hoạch treo khốn khổ vì xây không được, ở chẳng xong.
Nhiều tỷ đô... chỉ là hứa hão
Tiêu tốn khá nhiều giấy mực của báo giới ở miền Trung trong thời gian qua là 'siêu dự án' Bãi Biển Rồng ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Số vốn đầu tư 4,15 tỷ USD mà tập đoàn Hoa Kỳ là Tano Capital, LLC và Global C&D, INC hứa hẹn rót vào xã Điện Dương để biến khu đất 400ha thuộc 4 thôn của xã này thành một khu du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế từng rầm rộ gây chú ý, nhưng rồi dự án chẳng động đậy gì. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải quyết định rút giấy phép.
- Ảnh bên : Dự án Mặt trời mọc - 5 tỷ USD vẫn nằm trên giấy (Ảnh: N.C.)
Lần ngược thời gian, đầu năm 2008, đại diện người Việt của 2 tập đoàn này là ông Phạm Ích Tống (có văn phòng đại diện ở TP Hội An - Quảng Nam) đã từng gây choáng với lời hứa đầu tư 10 tỷ USD cho dự án này. Tuy nhiên, sau đó ông Tống trở về Mỹ và không có hồi âm.
Đến tháng 10-2009, một lần nữa dự án Bãi Biển Rồng lại tái khởi động khi nhà đầu tư chính thức được cấp phép. Số vốn đầu tư lần này khiêm tốn hơn, còn 4,15 tỷ USD. Đại diện lần này vẫn là ông Phạm Ích Tống khi đó cam đoan rằng trong vòng 6 tháng (tức đến 15-5-2010) sẽ đặt cọc 4 triệu USD. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã ưu ái lùi mốc ký quỹ đầu tư, song nhà đầu tư vẫn không có bất kỳ động thái nào thể hiện sẽ theo đuổi dự án ngoài một lá thư xin được gia hạn thời gian ký quỹ đầu tư đến tháng 9-2010. Tất nhiên là không được chấp nhận.
Chưa được cấp giấy phép, nhưng siêu dự án “Mặt trời mọc” 5 tỷ USD sau khi dạm hỏi vị trí ở thôn Hòa Vân (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng có số phận không khác: Treo! Sau lời dạm hỏi của siêu dự án này, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn (số 4766/UBND ngày 8-8-2008) gửi các sở ban ngành và địa phương về việc chuẩn bị di dời, giải tỏa và TĐC người dân làng Hòa Vân. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, dự án rơi vào im lặng...
Gần đây, tỉnh Phú Yên khiến cả nước phải ngước nhìn khi có lời dạm hỏi của những siêu dự án, như: KCN lọc hóa dầu (11 tỷ USD); Khu du lịch liên hợp cao cấp (4,3 tỷ USD); dự án Thành phố Sáng tạo (11,4 tỷ USD)… Tuy nhiên, khi tất cả các dự án trên chưa được cấp phép thì nhà đầu tư dự án KCN lọc hóa dầu là Cty SP Chemicals (SPC - Singapore) đã chính thức xin tạm ngừng đầu tư.
Dân lãnh đủ
Ông Trần Tráng - Trưởng thôn Hà Quảng Đông (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) cho hay, dù dự án Bãi Biển Rồng dự định xây trên đất Điện Dương bị rút giấy phép, nhưng người dân vẫn chưa được phép xây dựng, cơi nới nhà cửa. Trong khi nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân ngày càng lớn khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng.
- Ảnh bên : Nhà ở thôn Hòa Vân (Đà Nẵng) hư hại vì bão nhưng không thể xây dựng lại.
Ông Trần Hữu Đức - Trưởng thôn Hòa Vân (Đà Nẵng), than thở: “Hiện nay nhà ở thôn Hòa Vân bị bão lụt đánh sập nhiều lắm mà không ai được xây mới để ở. Có nhà xây giữa chừng bị đình, nhiều nhà chưa kịp xây. Người ta bảo không được xây nhà kiên cố vì họ sợ xây chạy đền bù, mà ở ven biển thế này, xây nhà tạm bợ sao ở được?
Với lãnh đạo địa phương ở những dự án tỷ đô trên, khi được hỏi đều cho rằng, chủ trương quy hoạch chung là từ trên xuống, rất khó xác định mốc di dời giải tỏa, nên trước mắt tạm chấp nhận thế đã. Thậm chí, lãnh đạo xã Điện Dương đến bây giờ còn rất mù mờ về dự án 4,15 tỷ USD ngay trên đất của xã, họ chỉ mới được biết qua… báo chí.
Thông cảm cho doanh nghiệp!
Theo lý giải của ông Lâm Quang Minh - GĐ Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng, phần lớn là do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu khiến các nhà đầu tư bị cạn vốn. Theo ông Minh, hiện có 14 dự án lớn đã lấp kín ven biển Đà Nẵng, nhưng con số dự án chưa triển khai chiếm hơn một nửa, trong đó có thể kể đến là dự án Bãi Bụt, dự án Khu du lịch Hà Nội…
Dự án tháp đôi 51 tầng, kể cả tầng hầm được coi là cao nhất miền Trung tại 84 Hùng Vương, ngay khu “đất vàng” của Đà Nẵng mang tên Viễn Đông Meridian Towers của Cty CP địa ốc Viễn Đông, tổng vốn đầu tư 180 triệu USD, được cấp giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng từ giữa năm 2008, nhưng không chịu khởi công. Đến khi thành phố ra “tối hậu thư” lần 1, tháng 7-2009 dự án mới làm lễ khởi công, rồi ... để đó.
Mới đây, Đà Nẵng lại ra “tối hậu thư” lần 2, buộc phải thi công trước ngày 20-5-2010, nhưng dự án vẫn “ỳ” ra. Tại cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo thành phố cho biết đành phải gia hạn chót đến hết năm 2010. “Đành phải thông cảm cho doanh nghiệp. Bởi nếu rút giấy phép, cũng chưa tìm ra ai thay thế”, vị lãnh đạo thành phố giãi bày.
“Cũng nên thông cảm cho doanh nghiệp trong thời điểm khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi chỉ loại ngay những nhà đầu tư có biểu hiện xí phần, còn lại những nhà đầu tư tâm huyết làm đều được tạo điều kiện, trong đó cũng có thể chấp nhận việc mua đi bán lại dự án, nếu như chủ đầu tư sau họ làm tốt”, ông Lâm Quang Minh nói. Ông Minh cũng lấy ví dụ như dự án khu đô thị Đa Phước, dự án Vegas Ngũ Hành Sơn…, đều được các chủ đầu tư ban đầu bán lại, nhưng hiện nay được triển khai rất tốt.
Nam Cường
- Giới đầu tư phấp phỏng chờ quy hoạch Thủ đô
- 7.000 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà cho người thu nhập thấp
- Đà Nẵng: Tăng giá vì quỹ đất đã hết?
- Khu đô thị mới tây Hồ Tây: Bế tắc trong giải phóng mặt bằng
- "Sốt" ở thành phố mới Bình Dương!
- Đô thị hoang giữa Hà Nội
- Nhà đầu tư "khu đất vàng" đề nghị hỗ trợ ngân sách TPHCM 1.500 tỉ đồng
- Không nên tạm dừng việc xây dựng nhà cao tầng
- Bộ Xây dựng: Cho bán 20% sản phẩm nhà không qua sàn là hợp lý
- Cần chuẩn hóa từ khâu đồ án Quy hoạch xây dựng