Theo Nghị quyết số 18/NQ–CP (ngày 20/4/2009) của Chính phủ và các Quyết định số 66, 67/2009/QĐ–TTg (ngày 24/4/2009) của Thủ tướng Chính phủ, nhà ở cho người có thu nhập thấp nằm trong nhóm các dự án được ưu tiên sử dụng vốn hỗ trợ phát triển từ ngân sách nhà nước với lãi suất ưu đãi thông qua VDB. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp đã thực hiện gần xong phần thô mà chưa nhận được đồng vốn “ưu đãi” nào từ VDB. Bức xúc căng thẳng đến mức, ngày 16/11, các doanh nghiệp đại diện cho cả 3 miền đã tới VDB “đòi” vốn hỗ trợ phát triển cho các dự án này.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ này và Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã nhiều lần có công văn đề nghị VDB cho các chủ đầu tư dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp vay vốn để thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Thậm chí, Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo Trung ương đã mời VDB lập đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trạng các dự án để làm cơ sở cho vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có dự án nào được giải ngân, khiến các doanh nghiệp đầu tư xây dựng rất khó xoay sở để thực hiện dự án.
- Ảnh bên : Dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đà Nẵng do Công ty Vincon làm chủ đầu tư
Việc chậm giải ngân vốn vay cho các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, xuất phát từ nhiều lý do, trong đó chủ yếu do các chủ đầu tư dự án không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nên không thể thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo, không thể dùng làm tài sản thế chấp vốn vay. “Đến thời điểm hiện tại, số dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được Bộ Xây dựng đề nghị cho vay là 43 dự án, với tổng vốn vay 6.600 tỷ đồng, nhưng tất cả các dự án này đều chưa được giải ngân, vì chưa đảm bảo các quy định của pháp luật”, ông Dũng nói.
Không đồng tình với lý do từ phía VDB, nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện đưa ra của VDB là đánh đố chủ đầu tư, bởi đất thực hiện các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp là đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, nên không có sổ đỏ. Mặc dù doanh nghiệp vẫn có thể thế chấp tài sản trên đất (tài sản hình thành từ vốn vay) để làm vật thế chấp, nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (tài sản hình thành trên đất) chỉ được cấp khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Bùi Đức Long (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon) – đơn vị đang xây dựng nhà ở xã hội tại Huế và Đà Nẵng bức xúc, từ tháng 5/2010 đến nay, VDB đã nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng cũng như các tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, nhưng đến nay, chưa doanh nghiệp nào vay được vốn với lãi suất thấp để xây dựng nhà ở xã hội.
“Căn cứ theo các quy định hiện hành về tín dụng, Vincon hoàn toàn đủ điều kiện để vay vốn tại VDB như đối tượng mua nhà đã được chính quyền phê duyệt, bởi vốn chủ sở hữu doanh nghiệp vượt mức quy định, tất cả thủ tục về đầu tư và xây dựng đều đầy đủ… Vậy tại sao Vincon không được vay vốn ưu đãi?”, ông Long đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sơn An – chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Đồng Nai cho biết, Công ty đã tạm ứng cho nhà thầu 33 tỷ đồng trong tổng số 55 tỷ đồng vốn đầu tư dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp.
“Từ khi khởi công Dự án (tháng 10/2009) đến nay, mặt bằng giá cả xây dựng tăng chóng mặt, chúng tôi phải vay vốn tại các ngân hàng thương mại với lãi suất 17-18%/năm, trong khi giá bán nhà cho người có thu nhập thấp không tăng. Với tình hình như vậy, doanh nghiệp không thể làm nổi dự án này”, ông Sơn nói.
Mặc dù khẳng định tâm huyết với dự án xây nhà ở xã hội (nhà ở bán cho người có thu nhập thấp và nhà cho công nhân khu công nghiệp thuê), nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng, dùng vốn vay thương mại để thực hiện dự án là điều không tưởng. Với mức lãi suất như hiện nay và với giá bán bị khống chế, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phá sản. Do đó, nếu không vay được vốn ưu đãi từ phía VDB, doanh nghiệp chỉ còn cách là trả lại dự án cho địa phương.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Dũng cam kết, ngay trong tháng 11 này, VDB sẽ trả lời về việc doanh nghiệp nào được vay vốn, dự án nào được vay vốn và mức vay bao nhiêu. Tuy nhiên, theo ông Dũng, VDB sẽ không thể cam kết về thời gian giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nếu các quy định về giải ngân vẫn chưa được tháo gỡ.
“Việc chưa giải ngân được vốn tín dụng ưu đãi đúng là có phần trách nhiệm của VDB, nhưng vướng mắc cơ bản là do cơ chế hiện hành trong việc thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay. Vì vậy, dù rất muốn đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn, song VDB không thể vi phạm pháp luật”, ông Dũng cho biết thêm.
Quang Hưng
- Khởi công cụm chung cư 16 cao ốc lớn nhất ĐBSCL
- Rút giấy phép “siêu” dự án 4 tỷ USD tại Quảng Nam
- Mitsubishi Estate đầu tư vào thị trường căn hộ cao cấp tại Việt Nam
- 328 căn hộ thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) đã có chủ
- Hà Nội muốn hút thêm vốn tư nhân xây đường Vành đai 4
- Nhiều khu đất ở Hà Nội được đấu giá từ nay đến cuối năm
- Cần Thơ: Nhà cao tầng và đô thị sông nước
- 5.800 tỷ đồng xây khu sinh thái lớn nhất miền Bắc
- Thị trường đất nền Hà Nội: Lo ngại một cơn sốt mới
- 3.500 tỷ đồng điều chỉnh quy hoạch đô thị Tứ Hiệp