Trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm việc cắt giảm đầu tư công, nguồn vốn từ trái phiếu, vốn ODA và ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng bị thu hẹp, thì vấn đề làm thế nào để thu hút được những nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn tư nhân cho các dự án hạ tầng “đói” vốn đang được dư luận hết sức quan tâm.
Phải thừa nhận rằng, có không ít dự án về hạ tầng chưa bố trí được nguồn vốn, nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ở khả năng sinh lời. Bằng chứng là, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn tham gia các dự án lớn theo hình thức BOT, BT hay đối tác công – tư (PPP), trong đó có các dự án như Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án Cầu Mỹ Thuận.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguồn vốn tư nhân chưa “mặn mà” với các dự án hạ tầng. Ngay cả một số dự án bước đầu có nhà đầu tư tham gia, cũng đã xuất hiện những phản hồi không mấy tích cực. Mới đây, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc (do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm đại diện) đã đề nghị trả lại 2 dự án đường cao tốc cho Bộ Giao thông - Vận tải, với lý do khó khăn trong huy động vốn.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Cầu Phú Mỹ cũng “đòi” trả lại Dự án Cầu Phú Mỹ cho TP.HCM; có chủ đầu tư lại đòi hỏi thêm những ưu đãi khác nhằm đẩy nhanh việc hoàn vốn.
Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ chế rõ ràng, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên để khuyến khích việc huy động nguồn vốn tư nhân cho các dự án hạ tầng và không làm biến dạng hình thức đầu tư.
Với các dự án BOT vừa nêu, hầu hết vốn của dự án vẫn là đi vay ngân hàng hoặc được Nhà nước bảo lãnh vay của nước ngoài. Do đó, bản chất dự án không còn là hình thức BOT nữa, bởi không phát huy được nguồn vốn thực góp của tư nhân. Nhiều dự án sau một thời gian thực hiện theo hình thức BT hoặc BOT, gánh nặng vốn lại dồn lên ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, những cam kết nhằm cân đối quyền, lợi ích của Nhà nước và tư nhân cũng chưa rõ ràng; chưa làm rõ được mục đích đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội cũng như mức độ chia sẻ rủi ro giữa các bên, dẫn đến tình trạng khi gặp khó khăn, nhà đầu tư sẵn sàng đùn đẩy dự án lại cho Nhà nước, dù trước đó đã được hưởng nhiều ưu đãi.
Để cụ thể hoá Nghị quyết… Đại hội XI coi phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện Đề án Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011-2020, nhằm xác định rõ những mục tiêu cụ thể đối với từng ngành, tính khả thi, cung - cầu, các tiêu chí về tính đồng bộ và lựa chọn các công trình ưu tiên đầu tư phát triển.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư, các biện pháp khuyến khích đầu tư tư nhân vào các công trình kết cấu hạ tầng phải cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực. Chẳng hạn, đối với các dự án xây dựng đường giao thông, cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua việc quy định mức thu phí hợp lý. Tương tự, đối với các dự án điện, cần có quy định về giá bán điện hợp lý và trách nhiệm của EVN trong việc mua điện của nhà đầu tư. Nhà nước cũng cần có biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Hy vọng rằng, những điểm còn vướng mắc, bất cập trong cơ chế huy động vốn sẽ được phân tích, làm rõ, trên cơ sở hình thành một cơ chế rõ ràng, với các biện pháp khuyến khích đủ sức hấp dẫn để tạo bước đột phá trong thu hút nguồn vốn xã hội vào các dự án hạ tầng.
Huy Hào
- Ninh Thuận: Ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị
- Keppel Land khởi công xây dựng dự án Saigon Centre giai đoạn hai tại TPHCM
- Tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ tiền sử dụng đất
- Dự án Full House áp dụng công nghệ xanh
- Cải tạo chung cư cũ: Hầu hết mới điều tra xã hội học
- HUD xây khu đô thị 140ha tại Hưng Yên
- Thị trường bất động sản: Chuẩn bị đối phó “sóng thần” giá 150 triệu
- Dự án khách sạn "Novotel Hanoi on the Park" chính thức dời lên Mễ Trì
- Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội "đội" lên gần 500 triệu euro
- Luật thuế đất mới không ảnh hưởng tới thị trường