Đó là những nội dung chính trong Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư đối với các dự án là khu đô thị mới, dự án khu nhà ở và dự án hạ tầng kỹ thuật công nghiệp.
Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, thủ tục thỏa thuận chiều cao công trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư...
Về vấn đề phê duyệt quy hoạch dự án, Chính phủ quy định: đối với trường hợp đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt thì UBND cấp tỉnh được phép giao cho nhà đầu tư lập quy hoạch và trình duyệt theo quy định.
Cơ quan thẩm định quy hoạch sẽ xem xét và trả lời về sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 5 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan thẩm định hướng dẫn bằng văn bản để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Việc bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện 1 lần.
Thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 không quá 30 ngày làm việc.
Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, cũng trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhà đầu tư nộp đủ hồ sơ, chính quyền địa phương phải hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch và trao quyết định phê duyệt cho nhà đầu tư.
Về những vấn đề điều chỉnh quy hoạch xây dựng cũng được thí điểm theo hướng linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 nhưng khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án, nhà đầu tư có những đề xuất mới khác với quy hoạch 1/2.000 được duyệt thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định những đề xuất đó, nếu thấy phù hợp thì ra văn bản chấp thuận hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500. Thời gian chấp thuận không quá 15 ngày làm việc.
Đặc biệt, Chính phủ quyết định sẽ bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp trong nước.
Để khắc phục tối đa những bất hợp lý trong việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, các địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sở hữu nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất, không nhất thiết phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ dự án cho chủ đầu tư cấp 1.
Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép chủ đầu tư cấp 1 được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ dự án và khi nhận bàn giao đất sạch (đất đã giải phóng mặt bằng) thì trong 3 tháng, phải nộp tiền sử dụng đất.
Ngoài những ưu đãi về thủ tục hành chính như trên, chủ đầu tư không phải làm thủ tục xin thỏa thuận chiều cao cho từng công trình. Đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp trong nước chỉ cần thực hiện đăng ký đầu tư, không cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư thứ phát trong khu đô thị mới, khu nhà ở, không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Về việc đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư có thể lồng ghép thành một nội dung trong dự án đầu tư, việc đánh giá sẽ được thực hiện khi thẩm định đồ án quy hoạch 1/500.
Còn đối với chiều cao công trình, chủ đầu tư không phải làm thủ tục xin thảo thuận chiều cao cho từng công trình.
Chính phủ cũng giao Bộ Quốc phòng xử lý vấn đề về thảo thuận chiều cao của công trình, và có ý kiến tham gia khi thẩm định quy hoạch xây dựng.
Tin mới hơn:
- Điểm mặt những dự án lãng phí đất đai ở Hà Nội
- Mặt sàn thương mại tại Hanoi Plaza: Thu hồi vốn nhanh
- Nghị định 23/2009-NĐ-CP: Dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội
- Các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội mở rộng: Rà soát để tránh lãng phí
- Phí đấu giá đất cao nhất tại Hà Nội là 5 triệu đồng
Tin cũ hơn:
- Sửa Luật Đất đai: Những kiến nghị từ IFC
- Năm 2009, tung dự án để thăm dò
- Đề xuất phương án sử dụng vốn xây nhà ở xã hội
- Hạn chế chiều cao công trình 4 ô phố trước Hội trường Thống Nhất, TPHCM
- TP.HCM và những "công trình thế kỷ"