Ngày 6/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị "Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông với sự tham gia của nhà thầu nước ngoài". Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung Quốc tại Việt Nam.
Tại hội nghị, Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường VN cho biết, hàng loạt các dự án đường cao tốc thời gian qua “vắng bóng” các nhà thầu nội, hoặc các nhà thầu trong nước chỉ đi làm thầu phụ cho nhà thầu ngoại. Ví dụ tuyến Nội Bài - Lào Cai, dự án này có 8 gói thầu xây lắp thì chủ yếu do các nhà thầu Hàn Quốc hoặc Trung Quốc thi công. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gần như tất cả các gói thầu xây lắp chính đều do nhà thầu nước ngoài đảm nhận, các nhà thầu trong nước phải đi làm "kép phụ". Bên cạnh đó, nhiều dự án ODA lớn khác cũng chủ yếu do các nhà thầu quốc tế làm nhà thầu chính như: cầu Nhật Tân, Cần Thơ, Thanh Trì, nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội- TP.HCM, Vành đai III giai đoạn 2, nâng cấp cầu QL1 giai đoạn 3...
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tiến độ nhiều dự án hạ tầng giao thông do các nhà thầu nước ngoài triển khai tại Việt Nam đang rất ì ạch; như dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Nhiều nguyên nhân được đưa ra giải thích cho vấn đề này: do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, biến động giá, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, các nhà thầu thi công không đúng chỉ dẫn kỹ thuật; các công ty mẹ chưa có sự hỗ trợ tích cực cho công ty con trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt về vốn và nhân sự chủ chốt nên dẫn đến thiếu vốn để thi công; công tác điều hành còn lúng túng, thụ động…
Đại diện các đơn vị tư vấn nước ngoài nhìn nhận, một số nhà thầu nước ngoài quá chú trọng vào lợi nhuận và sử dụng nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực; khâu thiết kế bản vẽ thi công còn cẩu thả, không bảo đảm yêu cầu… Nhiều nhà thầu quốc tế khi vào thi công các dự án giao thông ở Việt Nam vẫn phải ăn đong, trông chờ tạm ứng, thanh toán của chủ đầu tư để thi công, dẫn đến nhiều dự án bế tắc về tiến độ. Khi đấu thầu, năng lực các nhà thầu ngoại trên hồ sơ rất tốt, nhưng khi triển khai thi công thì ngược lại. Mặt khác, vốn lưu động của các nhà thầu ngoại dành cho thi công cũng không lớn, bộ máy nhân lực hạn chế, thiết bị nhỏ, họ thuê lại các nhà thầu nội và lấy lợi nhuận bằng cắt lại các khoản phí…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, các nhà thầu cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Bởi đây không chỉ là các dự án của riêng ngành GTVT Việt Nam, mà còn là dự án sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, là dự án thể hiện mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Trung Quốc. Bộ trưởng kiên quyết không điều chỉnh tiến độ, lùi thời gian hoàn thành dự án. Bộ yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, BQL dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, nếu nhà thầu nào không đáp ứng được yêu cầu phải thay thế ngay hoặc đưa các nhà thầu khác đủ năng lực vào tăng cường.
Khắc Lãng
- Giải đáp về quản lý và thực hiện dự án đầu tư công
- Quảng Ninh thu hồi 38 dự án đầu tư chậm triển khai
- Căn hộ “siêu sang” về đâu?
- Hàng nghìn tỉ đồng “trôi” theo dự án
- Cấm rao bán biệt thự tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm
- Petroland bán thanh lý 48 căn hộ giá 15,6 triệu đồng/m2
- Chân Mây-Lăng Cô: Sức hút từ không gian xanh
- Những dấu hiệu sai phạm tại 3 dự án Đan Mạch ngừng cấp ODA
- Luật hóa chung cư ?
- An Khánh JVC khởi công giai đoạn 2 dự án Khu đô thị mới Splendora