Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Giải đáp về quản lý và thực hiện dự án đầu tư công

Giải đáp về quản lý và thực hiện dự án đầu tư công

Viết email In

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh đã giải đáp hơn 50 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan tới việc làm sao để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; quản lý vốn ODA và các giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công, cũng như kế hoạch huy động nguồn lực phát triển đất nước trong thời gian tới.

Lựa chọn dự án đầu tư phù hợp

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề về nhu cầu nguồn lực tái cơ cấu tài chính liên quan đến ngân sách Trung ương, vấn đề sắp xếp và cơ cấu lại lao động khi một bộ phận chuyển đổi nghề nghiệp, một bộ phận mất việc làm khi thực hiện tái cơ cấu, cũng như các phương án tái cơ cấu đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.

  • Ảnh bên: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Doãn Tấn /TTXVN)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định việc tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn cần đến nguồn lực, về cơ bản các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước phải bỏ ra để tái cơ cấu. Nhà nước không thể bỏ ra gói hỗ trợ bao nhiêu nghìn tỷ hỗ trợ cái này, hỗ trợ cái kia mà quan trọng nhất là trong cơ chế thị trường có chính sách, định hướng cho các thành phần kinh tế sẽ phải chuyển đổi theo yêu cầu đề án. Nhà nước sẽ có định hướng, ưu đãi có lợi cho các doanh nghiệp như miễn giảm thuế, hỗ trợ công nghệ nguồn.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là đề án tổng thể nên sau này sẽ hoàn chỉnh và giao cho các Bộ hoàn thiện các dự án thành phần và từ đó mới có thể từng bước hình thành mức tổng nguồn lực. “Tất nhiên cũng chỉ là mức tương đối. Cần chọn lựa tái cơ cấu trọng tâm”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn, nguyên nhân nào dẫn tới việc chậm trễ bố trí vốn cho 16 Chương trình mục tiêu năm 2012? Về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhận trách nhiệm và cho biết quy trình thẩm định chặt chẽ hơn cũng là một yếu tố gây nên chậm trễ. Ngoài ra các địa phương cũng có khối lượng dự án quá lớn trong khi việc thay đổi quy trình lại diễn ra nhanh nên còn xảy ra nhiều bất cập.

Rút kinh nghiệm qua việc làm chậm này, trong năm 2013 khi làm kế hoạch trung hạn thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thay đổi cách giao cho Chương trình, để các địa phương quyết định lựa chọn nguồn lực vào chương trình nào để hoàn thành có hiệu quả chứ để 16 chương trình dàn trải, vốn ít, các địa phương không quan tâm được nhiều. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đến cuối tháng 4 đã ký giao kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012.

Quản lý chặt chẽ nguồn vốn

Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề quản lý vốn ODA thời gian qua còn nhiều bất cập, các chương trình ODA chịu sự chi phối nhiều văn bản pháp quy trong nước và quy định của nhà tài trợ và giữa các văn bản có sự mâu thuẫn nhau.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết dư luận hết sức quan tâm đến việc Đại sứ quán Đan Mạch thông báo về việc dừng dự án nghi có tiêu cực tại 3 dự án ODA tại Việt Nam, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xảy ra dư luận không tốt trên, và Bộ đã có những chỉ đạo gì chấn chỉnh công tác ODA trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, với trách nhiệm của mình, ngay khi có thông tin xảy ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các Bộ có liên quan. Sự việc trên phía Đan Mạch cũng cho biết mới chỉ là nghi vấn vì có một số điều chưa được làm rõ và chỉ là tạm dừng để xem xét chứ không phải là dừng hẳn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cần làm rõ việc này, nếu xảy ra vi phạm thì sẽ xem xét xử lý quyết liệt để lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ.

Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với việc thất thoát vốn tại một số tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian gần đây, cũng như những bất cập trong quản lý đầu tư công và những giải pháp để giải quyết cơ chế “xin-cho” đối với các dự án đầu tư.

Về vấn đề này Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, những bất cập trong đầu tư công là có bởi nền kinh tế nước ta còn nhỏ, trong khi nhu cầu hoàn thiện hạ tầng lớn, không địa phương nào không cần, do vậy dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải đối với các khu kinh tế, công nghiệp, cảng...

Theo Bộ trưởng, dù đã có phân cấp nhưng chúng ta lại chưa có đủ chế tài để xử lý. Sau này các địa phương phải quyết định lựa chọn các dự án và phải tự chịu trách nhiệm cân đối được vốn, nếu lo đủ vốn mới được ký.

Trong kế hoạch sắp tới, Bộ sẽ không giao chi tiết một danh mục đầu tư nào, mà chỉ giao những dự án quan trọng với tổng số tiền cho các địa phương dựa trên các nguyên tắc đưa ra để lựa chọn. Bộ sẽ dựa theo các tiêu chí để thẩm định, và tham mưu với Chính phủ những vấn đề lớn chứ không đi vào chi tiết cũng là để hạn chế tiêu cực “xin-cho”.

“Quan trọng là làm sao để phân bổ cho đúng, hiện tiêu chí nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước còn khó khăn vướng mắc, sẽ phải có sửa đổi để phù hợp với từng ngành,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với việc thất thoát vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng trách nhiệm chính của Vinalines là của Chủ tịch và giám đốc các đơn vị thành viên, không nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận vẫn còn lúng túng trong việc tách bạch giữa vai trò quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu. Vai trò giám sát các tập đoàn còn lỏng lẻo, cần tăng cường giám sát kiểm toán nội bộ, giám sát quản lý tài chính...

Giữ tăng trưởng GDP ở mức 6% năm 2012

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh mức tăng trưởng GDP năm 2012 về mức 5,5-6% là có cơ sở hay không, và việc thành lập thêm Tổng cục quản lý giám sát tài chính với doanh nghiệp nước liệu có hợp lý trong khi việc cần làm là phải giảm nhanh các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước bằng cổ phần hóa, tiến hành nhân sự, kiểm toán độc lập, công khai minh bạch tài chính.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định trong kế hoạch 5 năm việc đề nghị giảm kế hoạch tăng trưởng GDP xuống 6,5 đến 7% là dũng cảm và đã được chấp nhận. Đối với năm 2012 nếu không đạt mức tăng trưởng 6% thì sẽ để lại hậu quả lớn, nên tối thiểu phải đạt mức này.

Bộ trưởng cho rằng nếu phấn đấu tốt, hài hòa kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10%, kích cầu tài chính hợp lý thì GDP có thể tăng trưởng ở mức 6%, chỉ tiêu này là không quá xa. “Dù dự báo vẫn là dự báo, nhưng nếu để thấp hơn thì gây ra nhiều hệ lụy, Quốc hội và nhân dân cũng sẽ không chấp nhận,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đồng tình với quan điểm cần giảm bớt dần các tập đoàn kinh tế nhà nước, cái nào cần giữ thì giữ, cần công khai minh bạch tài chính và đây là phần việc quan trọng, phải làm kiên quyết để đưa vào khuôn khổ.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm liên quan tới quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển kinh tế.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định đến giờ này chưa có ý kiến nào đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu nên phải cố gắng quyết liệt hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Về đầu tư công cần đảm bảo công bằng hợp lý, ưu tiên từng ngành từng vùng, mặt khác đẩy nhanh cải cách hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Hoàng Tùng-Thu Hà


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3324 khách Trực tuyến

Quảng cáo