Nhật Bản đã trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương với các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ trong những tháng đầu năm 2012. Đây là thành công khá quan trọng, giúp Bình Dương nhanh đạt được mục tiêu tăng cả lượng và chất trong thu hút đầu tư.
Theo thông tin từ UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay đã có thêm nhiều dự án của DN Nhật Bản (DN NB) đầu tư vào tỉnh được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, như : Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản đầu tư 1,2 tỉ USD; dự án nhà máy sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp dùng trong ngành bao bì đóng gói với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 35 triệu USD của Tập đoàn Dai Nippon Printing...
Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản đầu tư
Tăng cả lượng và chất
Kết quả khả quan này đã nâng số lượng dự án của DN NB đầu tư vào Bình Dương tính đến thời điểm hiện nay lên gần 170 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỉ USD; qua đó đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào tỉnh Bình Dương. Các dự án đầu tư của DN NB vào Bình Dương không chỉ tăng nhanh về lượng mà còn vượt bậc về chất; quy mô dự án ngày càng lớn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh tốt. Nổi bật trong số những dự án của DN NB vừa đầu tư vào tỉnh Bình Dương là dự án của Tập đoàn Dai Nippon Printing (DNP), một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Nhật Bản với bề dày 130 năm lịch sử và hoạt động đa ngành, như : sản xuất, kinh doanh máy móc thiết bị ngành in; đóng bìa, bao bì; sản xuất và kinh doanh thiết bị điện; thiết bị chính xác... Đây cũng là tập đoàn đứng đầu thế giới về ngành in tổng hợp. Dự kiến nhà máy sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp dùng trong ngành bao bì đóng gói tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát của DNP sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2013; sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho thị trường các nước Châu Á như VN, Thái Lan... và một số nước Châu Phi.
Thu hút dự án thương mại - dịch vụ
Nét mới trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2012 là sự đột phá, tăng tốc đầu tư của các DN NB vào lĩnh vực thương mại, bất động sản (BĐS) để phát triển đô thị. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư Nhật Bản, ngoài môi trường thuận lợi thì lợi thế và tiềm năng của tỉnh có sức thuyết phục lớn đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó lớn nhất là dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City) đã được khởi công xây dựng do Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản liên doanh với Becamex IDC đầu tư. Với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỉ USD, khu đô thị Tokyu Bình Dương được xây dựng trên diện tích gần 71,5 ha, bao gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng... Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại Bình Dương và là dự án có vốn đầu tư nước ngoài tham gia lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này.
Mới đây, Aeon - một tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản cũng đã được trao giấy phép và chuẩn bị đầu tư vào Bình Dương để triển khai dự án thương mại tại TX Thuận An với vốn đầu tư khoảng 95 triệu USD. Dự kiến đến năm 2014 trung tâm thương mại Aeon tại Bình Dương sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động.
Để thu hút các DN NB, tại buổi làm việc với đoàn Hiệp hội DN NB tại TP HCM đến tìm hiểu môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết Bình Dương có nhiều lĩnh vực tiềm năng và lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN nước ngoài nói chung và DN NB đầu tư đạt hiệu quả cao.
Ông Mitsuhiro Mori - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM: DN Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư của VN Ông Mitsuhiro Mori cho biết : “chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương đối với các DN NB đã đầu tư vào Bình Dương trong thời gian qua. sự quan tâm này của lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã góp phần quan trọng vào việc thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước và thu hút các DN NB đến làm ăn... Ông cảm nhận thế nào về môi trường đầu tư ở Bình Dương hiện nay? Điều đầu tiên là cơ sở hạ tầng tốt, cung ứng điện năng đầy đủ; thứ 2 là có chính sách tốt để thu hút nguồn nhân lực. Với hai yếu tố này, tôi nghĩ Bình Dương đủ sức gây đột phá để thu hút đầu tư. Việc Bình Dương ra sức đầu tư vào cơ sở hạ tầng khiến chúng tôi rất mừng, vì đó là quyết định đúng đắn và đúng hướng như kỳ vọng mà các nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi quan tâm. Ông có thể cho biết những vấn đề về đầu tư mà Hiệp hội cũng như DN NB quan tâm hiện nay? - Đối với DN NB, trước khi đầu tư vào một nơi nào đó thì chúng tôi cân nhắc rất kỹ, nhưng một khi đã đầu tư rồi chúng tôi quyết định đầu tư lâu dài và sẽ mở rộng thêm. Do đó, chúng tôi mong muốn trong tương lai các địa phương khác không chỉ kêu gọi các nhà đầu tư mới mà còn tạo điều kiện cho các DN đã đến đầu tư có cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa. Chúng tôi nghĩ rằng, với sự cải thiện tình hình về cơ sở hạ tầng, chính sách... chúng tôi sẽ có cơ hội hoạt động và bám trụ lâu dài. Qua đó, tránh tình trạng một số DN sau khi cân nhắc đã vào đầu tư rồi nhưng một thời gian lại gặp vướng mắc không giải quyết được phải bỏ đi tìm môi trường đầu tư khác thì thật đáng tiếc. Khắc phục điều này, cùng với việc quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư mới cũng cần tạo thuận lợi cho DN đã hoạt động có cơ hội mở rộng và phát triển. |
Trọng Minh
- Hà Nội: "Điểm sáng" bất động sản phía Đông
- Thu gần 4.000m2 đất tại nhà máy xe lửa Gia Lâm
- Sử dụng nguồn vốn ODA chậm là do thiếu vốn đối ứng
- Đầu tư địa ốc và “canh bạc” bắt đáy thị trường
- "Treo" hàng trăm ngàn giấy chứng nhận nhà đất
- Những chiêu "bẩn" trong "cuộc chiến" đấu thầu
- Công ty C.F.S (Nhật Bản) hợp tác đầu tư xây dựng Khu đô thị Thien Park - Đà Nẵng
- Đề xuất hỗ trợ vốn cho 7 dự án nhà thu nhập thấp
- Thị trường địa ốc: Chọn căn hộ nhỏ
- Sắp khởi công siêu dự án bất động sản hơn 2,5 tỷ USD tại khu vực Hồ Tây