Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hà Nội: Hoàn thiện cơ chế đầu tư và quản lý nhà ở xã hội

Hà Nội: Hoàn thiện cơ chế đầu tư và quản lý nhà ở xã hội

Viết email In
Chiều 21/8, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố nhằm đẩy mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội với quy mô, giá thành phù hợp.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp đang triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng công trình.

Hà Nội đang thực hiện 11 dự án nhà ở thu nhập thấp và chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng thêm 3 dự án với tổng số 15.412 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 54.300 người. Có 2 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đó là dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư với 328 căn hộ và dự án tại khu đô thị Đặng Xá 1 (huyện Gia Lâm) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư với 1.000 căn hộ. Trong tháng 7 vừa qua, Tổng công ty Viglacera tiếp tục khởi công 1.500 căn hộ dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá 2.
  • Ảnh bên: Khu nhà ở cho sinh viên ở Khu đô thị Mỹ Đình II đang được khẩn trương xây dựng.
Theo cam kết của các chủ đầu tư , đến quý 1/2013, sẽ có thêm 1.504 căn hộ thu nhập thấp được hoàn thành; trong đó 840 căn tại khu đô thị Sài Đồng, Long Biên và 864 căn tại khu đô thị Kiến Hưng, Hà Đông.

Theo quy hoạch, các khu nhà cho người thu nhập thấp đều nằm trong tổng thể khu đô thị, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên cư dân được hưởng toàn bộ các tiện ích như trường mầm non, nhà trẻ, khu thể thao, công viên, bãi đỗ xe, dịch vụ an ninh, vệ sinh môi trường… mà không có bất kỳ sự phân biệt nào.

Tuy nhiên, thực tế triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không “mặn mà” với loại hình nhà ở này, đặc biệt trong thời điểm thị trường bất động sản “đóng băng” như hiện nay.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vướng mắc đầu tiên là nguồn vốn. Nhóm các nhà đầu tư nhà thu nhập thấp đề xuất vốn vay ưu đãi của năm 2012 khoảng 868 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có duy nhất 1 dự án tại khu đô thị Đặng Xá được vay của Ngân hàng Đầu tư-Phát triển và tiến độ giải ngân rất chậm. Khó khăn hơn là khi vay vốn, các chủ đầu tư này vẫn phải có tài sản thế chấp, trong khi đó đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp được miễn tiền đất nên đất này không được coi là tài sản thế chấp. 

Đối tượng mua nhà cũng khó tiếp cận vì chưa có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc vay vốn để mua nhà. Trong khi đó, các dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp đều chưa được áp dụng thuế VAT bằng 0 nên giá thành của nhà thu nhập thấp vẫn còn cao, giảm rất ít so với nhà ở thương mại hiện nay.

Cũng theo Sở Xây dựng, do trước đây nhà thu nhập thấp chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, công nghệ, quy mô toà nhà (ngoại trừ quy định căn hộ không quá 70m2) nên mỗi doanh nghiệp đầu tư với mức độ khác nhau dẫn đến giá bán khác nhau. Mới đây, thành phố Hà Nội đã công bố thiết kế cơ sở mẫu nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng cho phù hợp; đồng thời sửa đổi quy định theo hướng "nới" đối tượng được mua.

Tuy nhiên, để có thể giảm giá thành nhà ở thu nhập thấp sao cho số đông người dân có nhu cầu mua được nhà đòi hỏi sự hỗ trợ rất mạnh của Nhà nước như: giao mặt bằng sạch, có sẵn hạ tầng, doanh nghiệp được tiếp cận vốn ưu đãi, được miễn thuế giá trị gia tăng./.

Minh Nghĩa


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2030 khách Trực tuyến

Quảng cáo