Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm: Lo ngại trễ tiến độ sẽ bị cắt vốn ODA

Dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm: Lo ngại trễ tiến độ sẽ bị cắt vốn ODA

Viết email In

Được khởi công từ đầu tháng 12/2011, nhưng đến nay mặt bằng dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hoá – Lò Gốm (dự án thành phần số 4 – thuộc tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP.HCM) vẫn còn “loang lổ”, tiến độ thi công dự án chậm. 

“Nếu không sớm dứt điểm mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật để phục vụ thi công dễ dẫn đến nguy cơ hết hạn hợp đồng (ngân hàng Thế giới gia hạn đến cuối năm 2014) mà không thể hoàn thành dự án. Như vậy mọi thiệt hại sẽ nghiêng về phần chúng ta”. Một đại biểu HĐND TP.HCM lo ngại như vậy khi trao đổi với phóng viên tại buổi giám sát của ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM về tiến độ thực hiện dự án thành phần số 4 vào sáng ngày 23/10.  


Dự án thành phần số 4 thuộc tiểu dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, khởi công gần một năm, nhưng mặt bằng vẫn chưa sạch khiến tiến độ thi công chậm. Ảnh chụp tại khu vực quận 6.
(Ảnh: Đoàn Quý) 

Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm, phó ban Kinh tế – ngân sách, đây là dự án có ý nghĩa rất to lớn về mọi mặt, nếu không muốn nói đây là dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè thứ hai. Do đó, để tranh thủ nguồn vốn ODA sẵn có từ ngân hàng Thế giới, các cơ quan liên quan phải quyết liệt thực hiện bằng được theo đúng tiến độ thời gian như đã cam kết, đừng để người dân cũng như chính quyền thành phố phải chịu thiệt nếu dự án không hoàn thành như cam kết. 

Trong khi đó, theo báo cáo của ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM – HUUI, tính đến ngày 19/10, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án (do các quận 6, 11, Tân Phú làm chủ đầu tư) mới đạt 1.458/1.547 hộ giao mặt bằng, còn gần 100 hộ chưa giao. Trong đó, ngoài quận Tân Phú còn bảy hộ, quận 11 còn hai hộ, thì số hộ chưa giao mặt bằng còn lại chủ yếu thuộc địa bàn quận 6. Ông Trần Hữu Trí, chủ tịch UBND quận 6 cho hay, chậm nhất đến cuối tháng 12 sẽ bàn giao dứt điểm mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. 

“Hiện chúng tôi đã ký 37 quyết định cưỡng chế (đây là những hộ không chấp nhận phương án di dời giải toả ngay từ đầu) và chỉ còn chờ thành phố thông qua”, ông Trí nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Trí, việc một số hộ đến nay vẫn còn lấn cấn trong việc đền bù giải toả cũng có một phần lỗi thuộc về cơ chế. 

Theo HUUI, dự án thành phần số 4 có tổng cộng 15 gói thầu. Trong đó, có ba gói thầu thi công cống hộp, mười gói thầu thi công kênh hở, một gói thầu nạo vét kênh, một gói thầu xây dựng trạm bơm kết hợp công viên cây xanh. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 120 triệu USD (vay vốn ODA từ ngân hàng Thế giới, cộng với 10% vốn đối ứng từ ngân sách). Dù được khởi công từ tháng 12.2011 nhưng đến nay, ngoài ba gói thầu cống hộp, với tổng chiều dài khoảng 2.500m đạt 35% khối lượng, còn mười gói thầu thi công kênh hở mới đang trong quá trình triển khai các công tác nền móng, thí nghiệm và thử cọc ximăng. 

Đào Lê - Đoàn Quý 
 

Làm cả ngày, cả đêm để kịp tiến độ

Liên quan đến sự chậm trễ của dự án này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Lê Thanh Liêm, giám đốc ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TP.HCM. Ông Liêm nói: 

- Bằng mọi biện pháp phải hoàn thành công trình vào cuối năm 2014, đúng như cam kết. Không thể lùi thời gian được nữa, vì ngân hàng Thế giới không tiếp tục gia hạn (ngân hàng Thế giới đã gia hạn một lần). Chúng tôi cũng đã quán triệt cho tất cả các nhà thầu rằng nhà thầu nào làm xong sau năm 2014 thì không được giải ngân một đồng nào cho khối lượng công việc không hoàn thành đúng thời hạn. 

Hiện có rất nhiều nhà thầu thi công dự án này. Cụ thể như, công ty Trường Sơn, Tây Bắc, Xây dựng số 9, Tuấn Lộc, Hoàng An, Hùng Vương… 

Điều ông vừa đề cập có được thể hiện trong hợp đồng?

- Có chứ! Trong hợp đồng có quy định là nếu chậm thì phạt.

Quán triệt là vậy nhưng trên thực tế liệu có làm được?

- Tất nhiên, các nhà thầu đổ thừa là do mặt bằng bàn giao chậm, nhưng chúng tôi có biện pháp để yêu cầu họ làm. Ví dụ, những mặt bằng đã bàn giao rồi thì phải có kế hoạch thi công cụ thể. Tôi cũng yêu cầu khi có mặt bằng thì phải làm cả ngày, cả đêm. Có điều vừa rồi có người dân phản ảnh thi công đến 23 giờ đêm, bà con không ngủ được. Do thời gian “ép buộc” nên phải làm như vậy, cho nên rất mong bà con thông cảm.

Thi công ồ ạt, gấp gáp như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng công trình?

- Về chất lượng công trình cũng đã có tính toán hết rồi. Và đơn vị tư vấn CDM có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đào Lê (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1975 khách Trực tuyến

Quảng cáo