Xây nhà trong dự án đã có quy hoạch 1/500 phải xin giấy phép xây dựng; khu quy hoạch “treo” được cấp giấy phép xây dựng chính thức... là những nội dung trong nghị định 64 về cấp phép xây dựng (CPXD) và có hiệu lực vào ngày 20/10.
Theo nghị định trên, việc CPXD công trình và nhà ở riêng lẻ trong đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng (quy hoạch 1/500), quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị. Đối với những khu vực hoặc tuyến đường trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì việc CPXD phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị.
Xây nhà trong dự án phải xin giấy phép xây dựng
Một chuyên viên Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng với những điều kiện như trên thì việc áp dụng nghị định 64 sẽ có những thay đổi lớn trong việc CPXD trên địa bàn TP so với những quy định hiện hành. Cụ thể đối với nhà ở riêng lẻ trong những dự án đã có quy hoạch 1/500 trước nay được miễn giấy phép xây dựng (chủ nhà chỉ xây dựng theo mẫu nhà chung của toàn dự án) thì sắp tới phải có giấy phép mới được xây dựng. Như vậy hàng ngàn lô đất trong các dự án nhà ở liên kế phải xin giấy phép xây dựng.
- Ảnh bên: Khu dân cư Ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM bị bỏ quên gần 20 năm vì quy hoạch “treo” (Ảnh: Thuận Thắng)
Hiện nay, TP chưa có kinh phí để lập quy hoạch 1/500 đại trà trong đô thị nên hầu hết các quy hoạch chi tiết 1/500 ở TP.HCM đều do chủ đầu tư lập khi làm dự án cụ thể. Khi dự án không thực hiện được, Nhà nước thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền cũng hủy bỏ quy hoạch chi tiết 1/500 này. Các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị trên địa bàn TP cũng chỉ ở giai đoạn nghiên cứu chứ chưa được phê duyệt. Vì vậy ngoài các dự án đã được lập quy hoạch trên, phần diện tích đất còn lại không được CPXD.
Cởi trói cho nhà, đất trong quy hoạch “treo”
Theo nghị định 64, giấy phép xây dựng tạm chỉ được cấp cho những trường hợp đất ở nằm trong khu vực có quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) nhưng chưa có quyết định thu hồi đất. Tại TP.HCM hiện nay, việc CPXD tạm chỉ được thực hiện trong khu vực đã có quy hoạch 1/2.000 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất. Nhiều người dân trong các khu quy hoạch “treo” này rất bức xúc bởi theo quy định, những căn nhà xây dựng tạm phải cam kết không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Một thành viên ban soạn thảo nghị định cho rằng nội dung trên của nghị định đã tháo gỡ được bức xúc của dân. Ông phân tích: theo nghị định, nhà, đất trong những khu vực chưa có quy hoạch 1/500 sẽ không thuộc trường hợp được CPXD tạm mà được CPXD chính thức.
Để được CPXD chính thức phải dựa vào quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Tuy nhiên do TP hiện chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị nên UBND TP đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép áp dụng quyết định 135 và quyết định 45 của UBND TP về kiến trúc nhà liên kế trong đô thị hiện hữu để CPXD.
“Nếu Bộ Xây dựng đồng ý thì những trường hợp thuộc diện CPXD tạm hiện nay tại TP sẽ được CPXD chính thức và chủ nhà sẽ được cấp giấy chủ quyền và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” - vị chuyên gia trên khẳng định.
Ngoài ra theo nghị định, nhà, đất nằm trong quy hoạch lộ giới các tuyến đường, tuyến hẻm hiện hữu mở rộng không thuộc trường hợp được CPXD tạm mà chỉ được sử dụng theo hiện trạng. Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều tuyến đường, hẻm có quy hoạch mở rộng đã 10 năm, thậm chí 20 năm nhưng chưa được mở. Số lượng nhà, đất của người dân nằm trong quy hoạch lộ giới, hẻm rất lớn và phần lớn đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Ở nhiều tuyến đường, người dân có nhà trong lộ giới phải vá víu, che chắn bằng các loại vật liệu xây dựng tạm rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan ở mặt tiền đường.
UBND TP cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép nhà trong lộ giới được xây dựng lại tối đa ba tầng, tùy theo tuyến đường.
Điều kiện cấp phép xây dựng khắt khe hơn Quyết định 68 về cấp phép xây dựng (CPXD) của UBND TP.HCM cho phép người dân sử dụng 17 loại giấy tờ nhà, đất được cấp trước và sau năm 1975 để làm cơ sở CPXD. Trong đó có nhiều loại giấy tờ nhà, đất phổ biến tại TP.HCM như bằng khoán điền thổ; tờ thỏa thuận phân chia di sản về nhà ở có chứng nhận; hợp đồng thuê nhà, đất hợp pháp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đã có trước bạ... Thậm chí nhà, đất chưa có giấy chủ quyền, trong khu dân cư ổn định, không có tranh chấp và đủ điều kiện cấp giấy chủ quyền nhưng chủ nhà chưa làm thủ tục cấp giấy cũng được CPXD. Trong khi nghị định 64 quy định: chỉ CPXD đối với nhà, đất đã có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, đối với nhà, đất đã có những loại giấy tờ hợp lệ theo quy định của quyết định 68 thì chủ nhà phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất theo quy định hiện hành thì mới được CPXD. |
Ngọc Hà
- Công ty Hòa Bình khởi công 2 dự án trị giá 500 tỷ đồng
- Hợp tác công-tư cần cơ chế để thực hiện
- Dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm: Lo ngại trễ tiến độ sẽ bị cắt vốn ODA
- 12/16 công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM chậm tiến độ
- Keppel Land tiếp tục đầu tư dự án 6.000 căn hộ tại TPHCM
- Quy hoạch treo, dự án treo: Những chuyển động sau lời hứa
- Mở bán căn hộ tại dự án Mandarin Garden (Hà Nội)
- Sa Pa thu hút đầu tư lớn vào bất động sản du lịch
- TPHCM: Náo loạn thị trường địa ốc
- 1,7 triệu đồng/m2 đất nền dự án Mỹ Phước 4