Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cấp phép xây dựng ở TPHCM: Đã có hướng dẫn

Cấp phép xây dựng ở TPHCM: Đã có hướng dẫn

Viết email In

Qua phản ánh thực tế những ách tắc trong cấp phép xây dựng trên địa bàn TPHCM cũng như kiến nghị của UBND TP và ý kiến của Bộ Xây dựng liên quan đến những vướng mắc khi thực hiện cấp phép xây dựng theo quy định tại Nghị định 64/CP của Chính phủ, Chính phủ đã có Nghị quyết 83 thống nhất lùi thời điểm thực hiện NĐ 64/CP cho đến ngày 1/7/2013. Ngày 18/12, Sở Xây dựng cũng đã trình UBND TPHCM một số nội dung để sở triển khai, hướng dẫn các quận-huyện thực hiện việc cấp phép xây dựng ngay cho người dân trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.  

Được xây tạm 3 tầng trong lộ giới 

Thực tế hiện nay, để không ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân, đa số các quận-huyện trên địa bàn TPHCM vẫn đang thực hiện việc cấp phép xây dựng theo quy định về cấp phép xây dựng của UBND TP (ban hành kèm theo QĐ 68 ngày 14/9/2010 của UBND TP). Về việc này, Sở Xây dựng cho biết, Nghị định 64/CP đã thay thế cho các quy định về cấp phép xây dựng trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương và đã có hiệu lực từ ngày 20/10/2012 nên việc áp dụng quy định cũ để cấp phép xây dựng tại thời điểm hiện nay là không phù hợp với quy định tại NĐ 64/CP. 

  • Ảnh bên: Thủ tục cấp phép xây dựng đã được tháo gỡ cho người dân TPHCM (Ảnh: Kim Ngân) 

“Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng về xây dựng của người dân, Sở Xây dựng vừa trình UBND TP một số nội dung để thực hiện việc cấp phép xây dựng trong thời gian chờ Bộ Xây dựng ban hành thông tư. Ngay sau khi Bộ Xây dựng có thông tư hướng dẫn NĐ 64/CP, sở sẽ cập nhật nội dung vào dự thảo quy định thay thế quy định về cấp phép xây dựng kèm theo QĐ 68 để trình UBND TP ban hành nhằm thực hiện theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại TPHCM” - một vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết. 

Cụ thể, tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, đối với công trình, nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu thì các quận-huyện được áp dụng QĐ 135 và QĐ 45 của UBND TP quy định về kiến trúc nhà liên kế trong đô thị hiện hữu để thực hiện cấp phép xây dựng cho người dân. 

Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP khẩn trương lập kế hoạch và thực hiện thiết kế đô thị. Đồ án thiết kế đô thị nào đã hoàn chỉnh phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt ngay làm cơ sở cấp phép xây dựng (NĐ 64/CP quy định điều kiện được cấp phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị trong khi đó TPHCM chưa phủ kín quy hoạch 1/500, chưa có thiết kế đô thị - PV). Đảm bảo tiến độ thực hiện đến ngày 1/7/2013. Những khu vực nào chưa có quy hoạch 1/500 thì phải có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị để thực hiện cấp phép xây dựng theo NĐ 64/CP.

Nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân trong các khu quy hoạch treo, Sở Xây dựng cũng kiến nghị đối với các công trình, nhà ở (kể cả khu đất chưa xây dựng) thuộc quy hoạch mở rộng hẻm, tuyến đường đã được phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện vẫn được cấp phép xây dựng tạm với quy mô tối đa không quá 3 tầng và phải được thể hiện trong đồ án thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc. Ngoài ra, các công trình, nhà ở được cấp phép xây dựng tạm còn phải phù hợp với mục đích sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện liên quan như phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật… 

Đối với nhà ở riêng lẻ dọc các tuyến đường chính cần phải lập thiết kế đô thị, các quận-huyện khi cấp phép xây dựng phải đảm bảo về chiều cao tối đa, khoảng lùi, kiến trúc, màu sắc. “Trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế đô thị, UBND quận-huyện vẫn cấp phép xây dựng đối với các trường hợp đảm bảo các điều kiện trên, đồng thời cập nhật các nội dung cấp phép xây dựng vào đồ án thiết kế đô thị khi phê duyệt và thực hiện quản lý theo quy định” - Sở Xây dựng lưu ý. Còn đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong hẻm có lộ giới quy hoạch từ 12m trở xuống, khi cấp phép xây dựng tạm phải đảm bảo lộ giới cho các loại đường hẻm theo quy định. 

Nhà dưới 3 tầng không cần bản vẽ kết cấu 

Một trong những nội dung đáng lưu ý được Sở Xây dựng đưa vào trong việc hướng dẫn cấp phép xây dựng đó là, nhà ở riêng lẻ từ 3 tầng trở xuống, tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 thì CĐT tự tổ chức thiết kế xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn công trình và các công trình lân cận mà không bắt buộc phải thẩm định, phê duyệt. 

Theo đó, trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng của công trình này không cần phải có bản vẽ kết cấu chịu lực chính của căn nhà (chi phí thực hiện bản vẽ này gấp 10 lần bản vẽ xin cấp phép xây dựng và tốn rất nhiều thời gian - PV) mà chỉ cần bản vẽ thiết kế thể hiện mặt bằng, vị trí căn nhà trên lô đất, ranh giới lô đất; các mặt bằng, mặt cắt móng công trình trong phạm vi ranh giới lô đất. Các công trình khác và nhà ở trên 250m2 thì CĐT phải có bản vẽ kết cấu chịu lực trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng. 

Đối với những công trình xây dựng, nhà ở trong khu vực đã có quy hoạch 1/500, nếu sau ngày 20/10/2012 (ngày NĐ 64/CP có hiệu lực) mà CĐT chưa khởi công xây dựng thì phải lập thủ tục xin đề nghị cấp phép xây dựng lại theo quy định mới. Nhà ở riêng lẻ đã được cấp giấy chứng nhận nhà đất cho hộ gia đình, cá nhân sẽ do UBND quận-huyện cấp GPXD. Công trình, nhà ở thuộc dự án sẽ do Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.

Đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định tại NĐ 64/CP thì các quận-huyện tiếp tục sử dụng mẫu GPXD ban hành tại NĐ 12/2009 của Chính phủ (hiện chưa có mẫu GPXD theo NĐ 64/CP-PV) nhưng phải bổ sung theo quy định tại Điều 4 NĐ 64/CP.

Dự kiến ngày 21/12, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín sẽ có buổi làm việc với Sở Xây dựng về việc này. Sau khi UBND TP thông qua các nội dung trên, TP sẽ gửi thông báo kèm nội dung này để UBND các quận-huyện căn cứ vào đó triển khai cấp phép xây dựng cho người dân trong đầu tuần tới. 

Nhung Nguyễn 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3541 khách Trực tuyến

Quảng cáo