Khi hoạt động kinh tế còn chưa gặp nhiều khó khăn như hiện nay, trung bình mỗi năm TPHCM cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu vốn cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông. Năm nay và năm tới nữa, trước dự báo kinh tế chưa có nhiều khả quan, TPHCM lấy vốn ở đâu để thực hiện nhiệm vụ này?
Tận dụng mọi nguồn vốn trong xã hội
Đáp án nêu trên không mới đối với TPHCM. Từ hơn chục năm nay, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực trong xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhắc lại đáp án này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy về đầu tư công thuộc chương trình giảng dạy Fullright của Đại học Kinh tế TPHCM muốn nói đến một khía cạnh khác trong thu hút đầu tư, đó là sự chuyên nghiệp.
Về nguyên tắc, khi bắt đầu đưa ra chính sách kêu gọi đầu tư cũng như giai đoạn xem xét hồ sơ xin đầu tư của các doanh nghiệp, các sở ngành chuyên môn của TPHCM đều giao cho những chuyên viên có trình độ chuyên ngành sâu trong lĩnh vực thụ lý. Thế nhưng, đến phần giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư, không ít sở ngành của thành phố đã xử lý hoàn toàn thiếu… chuyên nghiệp.
- Ảnh bên: Cầu Phú Mỹ được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa (Ảnh: Kim Ngân)
Một trong những nhà đầu tư đã góp phần xây dựng không ít các công trình giao thông của thành phố xin giấu tên cho biết, mặc dù trong hợp đồng hợp tác đầu tư có xác định khá rõ hình thức hoàn vốn cũng như thời điểm hoàn vốn cho nhà đầu tư song trong rất nhiều trường hợp điều khoản này đã bị thay đổi. Các sở ngành có thể lấy rất nhiều lý do để khoan thực hiện cam kết với nhà đầu tư như tình hình kinh tế đang khó khăn, gần lễ tết… chưa nên triển khai thu phí. Điều này, dưới góc độ chính trị, xã hội không sai nhưng dưới góc độ kinh tế là… không sòng phẳng đối với nhà đầu tư. Nhất là đối với các nhà đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, thường phải vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để đầu tư. Việc kéo dài thời gian được thu phí cũng đồng nghĩa với việc làm khó doanh nghiệp. Cách nay chưa lâu, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, các sở ngành của thành phố cũng tính đến khả năng, ngân sách thành phố ứng ra trả trước một phần cho doanh nghiệp trong thời gian chờ đợi được thu phí. Thế nhưng, không có luật nào cho phép được lấy tiền ngân sách trả cho doanh nghiệp như vậy.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, không phải ngẫu nhiên mà đa phần các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư đều là doanh nghiệp có… nguồn gốc là doanh nghiệp Nhà nước hoặc được Nhà nước bảo lãnh. Bởi chỉ có những doanh nghiệp này mới “thích ứng” được cách làm việc như trên của không ít các sở ngành.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét, đây là điều rất đáng lo ngại vì như vậy Nhà nước vẫn chưa thực sự thu hút được các nguồn vốn cũng như nguồn lực con người trong xã hội.
Thay đổi mạnh mẽ để hấp dẫn đầu tư
Đây được coi là giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư. Một trong những thay đổi đầu tiên cần được thực hiện ngay là phải xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư mà trong đó người dân, Nhà nước và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi. Cơ chế này nên có các điều khoản để giải quyết những vấn đề phát sinh mà các sở ngành hay đưa ra để hoãn thu phí.
Đơn cử, nếu tình hình kinh tế khó khăn, người dân không thể trả thêm các khoản phí thì Nhà nước phải có cơ chế đền bù cho nhà đầu tư. Sự thay đổi cũng có thể được bắt đầu ở một khía cạnh khác: khía cạnh pháp lý. Ví dụ, để giải quyết vấn đề không được đặt quá nhiều trạm thu phí trong cùng một khu vực. Nhà nước có thể tự tổ chức thu phí chung cho cả khu hoặc đấu thầu chọn nhà thầu thực hiện công tác thu phí. Số tiền thu được sẽ được cân đối và chi trả cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, một vấn đề khác liên quan đến cơ chế chính sách mà theo chính các chuyên gia về đầu tư công ở Fullright nhận xét là Nhà nước cần điều chỉnh ngay, đó là sự phối hợp hoạt động giữa UBND và HĐND cùng cấp - nơi có quyền kêu gọi đầu tư và ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư. UBND và HĐND phải thống nhất được với nhau trong việc ký hợp đồng hợp tác với các nhà đầu tư, tránh trường hợp UBND ký hợp đồng nhưng HĐND không chấp nhận phương án thu phí hoàn vốn.
Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều cách giải quyết khá “thấu tình, đạt lý” và rất chuyên nghiệp đối với một số nhà đầu tư như chủ đầu tư của Nhà máy nước BOT Bình An, BOO Thủ Đức… Đối với Nhà máy nước BOT Bình An, mặc dù các cơ quan Nhà nước chưa xây dựng xong hệ thống ống tiếp nhận nước đồng thời với thời gian chủ đầu tư - vốn là một doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng xong nhà máy nước. Thế nhưng, thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư, TPHCM vẫn tiến hành mua nước do nhà máy này sản xuất ngay sau khi nhà máy hoạt động.
Theo các chuyên gia kinh tế ở Fullright, TPHCM nên phát huy phương cách làm việc như vậy. Điều này, có thể gây thiệt hại một phần cho ngân sách nhưng bù lại thành phố giữ được uy tín và đó là cơ sở để nhiều nhà đầu tư khác đến với thành phố.
Nguyễn Khoa
- Đề xuất 4 tiêu chí xử dự án “treo”
- Nghi vấn Keangnam-Vina chuyển giá
- Be bét Tháp Doanh nhân
- Doanh nghiệp xây dựng "kêu cứu" vì phải hầu hạ Thanh tra (!?)
- Nghịch lý tiêu tiền của ngành xây dựng
- Kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% ở Hà Nội và TP.HCM
- Thị trường bất động sản bán lẻ sẽ mở rộng ở Bình Dương
- Hà Nội áp dụng quy định hệ số điều chỉnh giá đất
- Vốn ngoại vẫn vào bất động sản
- Đường Vành đai 2, TPHCM: Nghiên cứu cơ chế thu hút vốn đầu tư