Tập trung nguồn lực để khép kín đường Vành đai 2 là mục tiêu của TPHCM ngay từ đầu năm 2012. Thế nhưng, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm, song một số đoạn của tuyến đường này vẫn ngổn ngang và tiếp tục nghiên cứu...
Đứt đoạn nhiều nơi
Theo quy hoạch phát triển GTVT của TPHCM đến năm 2020, đường Vành đai 2 dài khoảng 70km. Bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7) tiếp tục ra ngã tư Bình Thái (quận 9) rồi nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) điểm cuối ra quốc lộ 1 (QL 1) rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành tuyến đường vòng quanh TPHCM.
Thời gian tới, đường Vành đai 2 là một tuyến giao thông khép kín, tạo ra một trục giao thông quan trọng ở các cửa ngõ TP. Nhưng hiện nay còn nhiều đoạn bị đứt quãng, chưa thông nhau. Cụ thể, 2 đoạn chưa kết nối là đoạn thuộc khu vực đường Hồ Ngọc Lãm huyện Bình Chánh và đoạn từ cầu Phú Mỹ đến Gò Dưa sẽ được xây mới. Đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm nối ra QL1 và đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km.
- Ảnh bên: Một đoạn đường qua quận 7 thuộc tuyến Vành đai 2 (Ảnh: Cao Thăng)
Trước đây, UBND TPHCM đã giao cho nhà đầu tư Petro Land triển khai theo hình thức BT. Đơn vị này đã hoàn thành thiết kế cơ sở, nhưng do kinh tế khó khăn, nguồn vốn hạn chế nên Petro Land đề nghị giai đoạn 1 thực hiện lộ giới 60m nhưng hiện nay vẫn án binh bất động. Đoạn đường mới nối từ cầu Phú Mỹ tới nút giao thông Gò Dưa được chia thành hai phần để kêu gọi đầu tư. Phần thứ nhất từ cầu Phú Mỹ tới cầu Rạch Chiếc đã được Công ty cổ phần Phú Mỹ xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2009 được khoảng 4,5km trong tổng số 9km, nhưng đường đã hư hỏng nặng. Còn lại đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Gò Dưa (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) đi qua các phường Tam Phú, Linh Đông đến cầu Rạch Chiếc 2 (quận 9) dài khoảng 9km vẫn chưa ra hình hài con đường mà chỉ có cỏ và cây dại mọc xanh um.
“Hiện công tác giải phóng mặt bằng vô cùng khó khăn. Các địa phương có tuyến đường đi qua vẫn chưa xác định được thời gian bàn giao mặt bằng thì làm sao nói đến việc xây dựng khép kín” - ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, thuộc Sở GTVT TPHCM nói. Tương tự, các đoạn hở từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái, từ ngã tư Bình Thái đến nút giao Linh Đông - cầu Gò Dưa. Không chỉ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cái vướng lớn nhất để hoàn thành đường Vành đai 2 là vốn đầu tư. Sau gần 2 năm kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa có lối ra. Mới đây UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, huy động vốn bằng nhiều hình thức để nhanh chóng khép kín tuyến đường Vành đai 2.
Chờ nghiên cứu...
Đường Vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế phương tiện lưu thông vào trung tâm TP, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, tuyến đường có điểm giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Nhiều người lo ngại, nếu dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành trước đoạn từ thành phố đến Long Thành và đưa vào sử dụng trong năm 2013, trong khi chưa có đường kết nối với đường Vành đai 2 thì hiệu quả khai thác của tuyến cao tốc này sẽ không phát huy tác dụng về năng lực lưu thông. Trong tương lai gần, tuyến này kết nối với các đường Vành đai 3 và 4 (do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) tạo ra một trục đường nối kết với các đường liên tỉnh, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
Trước đây, đường Vành đai 2 dự kiến xây dựng bằng nhiều nguồn vốn. Trong đó, Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ thi công ba dự án trên đường Vành đai 2. Cụ thể, ở nút giao thông khu A Nam Sài Gòn và đường trên cao từ nút khu A đến cầu Phú Mỹ (quận 7) được Công ty cổ phần BOT Cầu Phú Mỹ thực hiện đầu tư theo hình thức BT đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đường Vành đai 2 phía Đông thành phố (quận 2, 9) đoạn từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc mới, cũng do Công ty BOT Cầu Phú Mỹ đầu tư theo hình thức BT, bao gồm hai đoạn. Trong đó, đã thông xe đoạn từ cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25B trong tháng 9/2009, đoạn còn lại từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc chủ đầu tư cam kết 31/12 năm nay hoàn thành, nhưng với cách thi công hiện nay khó mà hoàn thành như dự kiến.
Theo quy hoạch, đến năm 2015, TPHCM sẽ hoàn thành tuyến Vành đai 2 như thiết kế. Tuy nhiên, để làm được việc này cần một nguồn vốn rất lớn lên đến khoảng 14.000 tỷ đồng. UBND TPHCM cũng đã tiến hành nhiều hình thức như BOT, BT nhưng cũng chỉ làm được một số đoạn, các đoạn còn lại vẫn chưa có nhà đầu tư. Trước tình hình trên, UBND TP thành lập tổ công tác nghiên cứu cơ chế huy động vốn đầu tư để thực hiện dự án này. Hiện tại tổ công tác đang nghiên cứu phương án đầu tư các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 2, trong đó có cả việc bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng cầu, đường trên tuyến. Biện pháp phát hành trái phiếu cũng được TPHCM gợi ý để tổ công tác có phương án huy động vốn để khép kín tuyến Vành đai 2.
Quốc Hùng
- Thu hút đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật cần chuyên nghiệp hơn
- Kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% ở Hà Nội và TP.HCM
- Thị trường bất động sản bán lẻ sẽ mở rộng ở Bình Dương
- Hà Nội áp dụng quy định hệ số điều chỉnh giá đất
- Vốn ngoại vẫn vào bất động sản
- Gamuda Land ký kết hai thỏa thuận hợp tác chiến lược
- Các dự án bị “trói” vì mặt bằng: Đâu là lối thoát?
- HoREA muốn sớm có mô hình nhà cho thuê
- Thất thoát trong xây dựng cơ bản vì “ăn chia như ở chợ”
- Giao, cho thuê đất dự án chủ yếu sẽ phải qua đấu giá