Ngày 23/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Quốc hội nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, rõ ràng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp, khiếu nại đông người có xu hướng tăng lên.
Để khắc phục những hạn chế trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung như: sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn.
Quốc hội cũng yêu cầu quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, quyền của người sử dụng đất, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt.
Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Cùng với đó, Nhà nước phải quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Sửa đổi, bổ sung quy định về giá đất theo hướng giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Các cơ quan nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất; có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.
Về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý các vụ khiếu kiện, Quốc hội yêu cầu trước năm 2015 phải cơ bản hoàn thành. Từ nay đến cuối năm 2012, tập trung rà soát, có phương án giải quyết cơ bản 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai.
Bảo Anh
- Đường Vành đai 2, TPHCM: Nghiên cứu cơ chế thu hút vốn đầu tư
- Gamuda Land ký kết hai thỏa thuận hợp tác chiến lược
- Các dự án bị “trói” vì mặt bằng: Đâu là lối thoát?
- HoREA muốn sớm có mô hình nhà cho thuê
- Thất thoát trong xây dựng cơ bản vì “ăn chia như ở chợ”
- TPHCM rà soát, xóa dự án treo
- HUD có nhiều sai phạm tại khu đô thị Linh Đàm
- Phát triển hạ tầng: Đã thấy “chìa”, làm sao mở khóa?
- Thị trường bất động sản: Những kẻ đi vào bão
- Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả: Khơi mở vốn cho đại dự án giao thông