Đây là đánh giá của ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với vai trò của Dự án Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả trong việc khơi thông dòng vốn ngoài ngân sách vào các dự án giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, việc Dự án Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả, một trong những dự án đầu tư công - tư kết hợp (PPP) đầu tay của ngành giao thông hoàn tất các thủ tục đầu tư để khởi công vào ngày 18/11/2012 sẽ tạo ra những tiền lệ tốt trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là các dự án có quy mô rất lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà vị thứ trưởng trên lại đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả (ảnh bên). Theo đó, từ nay đến hết năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư tư nhân cho kế hoạch nâng cấp, mở rông đoạn Quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh tới Cần Thơ dài 1.050 km. Với tổng mức đầu tư khoảng 92.000 tỷ đồng, công trình này sẽ được chia thành 18 dự án triển khai theo hình thức BOT.
Đối với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, áp lực còn lớn hơn bởi chi phí xây dựng lên tới 479.000 tỷ đồng. Hơn thế, phần lớn đoạn tuyến sẽ được thực hiện theo hình thức PPP. Vốn nhà nước có khả năng chỉ tham gia khoảng 60% trong tổng số vốn đầu tư của cả tuyến.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù trong Giấy chứng nhận đầu tư số 47/BKHĐT - GCNĐTTN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp hôm 24/10, cũng như Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Bộ Giao thông - Vận tải, phương án đầu tư Dự án được chốt là theo hình thức BOT và BT.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, với sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong dự án này, có thể coi là Dự án Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình “cận” hình thức PPP nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực giao thông.
Trong cơ cấu nguồn vốn của công trình có tổng mức đầu tư lên tới 15.603 tỷ đồng này, nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là 539 tỷ đồng, bằng 3,45% tổng mức đầu tư, tức là bằng 1/3 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả).
Nếu tính cả chi phí phần dự án BT trị giá 4.509 tỷ đồng mà Nhà nước sẽ thanh toán bằng vốn ngân sách cho nhà đầu tư trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2026, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia sẽ tương đương với các dự án đang được đầu tư bằng hình thức PPP.
“Sự hỗ trợ của Nhà nước khi có hợp phần BT tham gia kết nối đồng bộ với phần BOT sẽ khiến bài toán tài chính của Dự án khả thi hơn. Cơ chế này cũng chính là nguồn cổ vũ các nhà đầu tư tham gia Dự án”, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả trao đổi khi được hỏi về vấn đề này.
Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án đối tác PPP của Bộ Giao thông - Vận tải, cùng với sự hỗ trợ tài chính trên, một loạt cơ chế đặc thù cho Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Công văn 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012, trong đó có việc Chính phủ bảo lãnh vốn vay thực hiện, đã tháo gỡ một cách căn bản những khó khăn cho nhà đầu tư.
Ngoài Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, một dự án hạ tầng giao thông có quy mô vốn rất lớn được đầu tư theo hình thức PPP cũng vừa đã tháo được những “nút thắt” cơ chế sau gần 3 năm theo đuổi. Đó là bộ cơ chế đặc thù cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP có tổng mức đầu tư lên tới 23.223 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1597/QĐ-TTg (ngày 26/10/2012).
Được biết, bộ cơ chế cho Dự án đường cao tốc đầu tiên thí điểm triển khai theo hình thức PPP gồm 7 phần, 34 điều này, bên cạnh các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ đồng ý bảo lãnh cho nhà đầu tư thứ nhất - Tập đoàn Bitexco được vay khoản tín dụng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) để thực hiện dự án. Chính phủ cũng đã cam kết không đầu tư mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 1 song song với tuyến cao tốc để đảm bảo doanh thu và tính khả thi của Dự án…
Theo các chuyên gia trong ngành giao thông, mặc dù các cơ chế này được chỉ định áp dụng cho hai dự án nói trên, nhưng với tư cách là các công trình mở đường, đây vẫn đang được coi là “chìa khóa” chung mở ra hướng đi cho các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và PPP hạ tầng khác hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế triển khai.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNHÔng Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban chỉ đạo hỗ trợ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả: Cùng với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, UBND tỉnh Phú Yên và UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều buổi làm việc về tiến độ triển khai dự án và một số vấn đề có liên quan đến các địa phương mà dự án đi qua. Có hai vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Một là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Hai là, cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần. Đến nay, những vấn đề nêu trên đã được UBND hai tỉnh giải quyết cơ bản. Tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỷ đồng, trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 281 tỷ đồng, chi phí tái định cư ở tỉnh Phú Yên 53 tỷ đồng và tỉnh Khánh Hòa là 64 tỷ đồng. Khu tái định cư phía Phú Yên sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 13,8 tỷ đồng trên 8,5 ha, phục vụ 75 hộ dân bị ảnh hưởng. Ở Khánh Hòa, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu tái định cư số 2 (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh). Quan điểm chung là tạo mọi điều kiện thuận lợi, đôn đốc triển khai quyết liệt các phần việc liên quan để chủ đầu tư khởi công dự án và thi công các tiểu dự án thành phần đúng tiến độ. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải: Về tầm chiến lược, Dự án có mắt xích quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất ngành giao thông, với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, là dự án đặc thù với đường hầm chính gồm hai tuyến và một hầm Cổ Mã, đi qua địa hình khá phức tạp. Nếu xét riêng các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, thì Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án lớn nhất trong ngành giao thông. Hơn thế, với hình thức đầu tư phối hợp giữa BOT và BT, đây có thể coi là một trong những dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức đầu tư công - tư kết hợp (PPP). Ông Guy Nguyen – Nhon, Tổng giám đốc CACIB Vietnam: Chúng tôi cũng rất tự hào đã song hành và tư vấn cho chủ đầu tư từ những ngày đầu tiên, giúp Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả hoàn thành và được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Với tư cách là ngân hàng được ủy quyền thu xếp vốn, chúng tôi đã làm việc với một số ngân hàng quốc tế, như BNPP, Natixis, SMBC, ANZ, Nord LB, Standard Chartered Bank để cấu trúc khoản tín dụng xuất khẩu tương đương 500 triệu USD tài trợ cho phần BOT của Dự án. Các điều khoản của hợp đồng tín dụng sẽ được đưa ra sau khi hợp đồng EPC được ký kết với nhà thầu để xác định được số tiền và xuất xứ từng hạng mục công việc và thiết bị. |
Anh Minh
- Giao, cho thuê đất dự án chủ yếu sẽ phải qua đấu giá
- TPHCM rà soát, xóa dự án treo
- HUD có nhiều sai phạm tại khu đô thị Linh Đàm
- Phát triển hạ tầng: Đã thấy “chìa”, làm sao mở khóa?
- Thị trường bất động sản: Những kẻ đi vào bão
- Hệ thống giao thông hiện đại khu trung tâm: “Đua” không kịp cao ốc
- Cấp phép xây dựng quy định mới: khó cho dân
- Đầu tư hạ tầng ở TPHCM, hình thức nào cũng khó
- “Cú đấm thép” Becamex
- Sẽ công khai kết quả rà soát sử dụng đất