Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Đầu tư hạ tầng ở TPHCM, hình thức nào cũng khó

Đầu tư hạ tầng ở TPHCM, hình thức nào cũng khó

Viết email In

Việc đầu tư vào các dự án hạ tầng hiện nay ở TPHCM theo các hình thức BOT, BT, PPP đang gặp nhiều khó khăn, một số dự án nhà đầu tư đã rút lui sau khi thấy việc đầu tư theo các hình thức này không khả thi. 

Vấn đề này được nêu ra tại buổi làm việc giữa Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM về tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho lĩnh vực giao thông 10 tháng đầu năm 2012 vào sáng 13/11.  

Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, năm 2012 kế hoạch vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản là 3.005 tỉ đồng, vốn ODA là 2.187 tỉ đồng, vốn ngoài ngân sách 3.907 tỉ đồng. Số vốn này chỉ được bố trí hơn một nửa nên thành phố phải kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Hiện nay, thành phố đang kêu gọi đầu tư hạ tầng theo nhiều hình thức, như BOT, BT, PPP. Tuy nhiên, các hình thức này cũng đều gặp khó. Đối với các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do các trạm thu phí dày đặc nên việc đặt thêm trạm thu phí mới khó khả thi. 

Còn các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thì thành phố không còn quỹ đất để giao cho nhà đầu tư khai thác để thu hồi vốn, nếu thanh toán bằng tiền thì lãi suất cao nên khó thực hiện. Đối với hình thức PPP (hợp tác công - tư) mặc dù Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện thí điểm nhưng các nhà đầu tư chỉ dừng ở mức độ tìm hiểu. 

Do tình hình kinh tế khó khăn, một số nhà đầu tư đã rút khỏi dự án, như Petroland đã rút khỏi dự án đường vành đai 2, Công ty GS rút khỏi dự án đường trên cao số 1… Còn một số dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, nhà đầu tư cũng đề nghị cho giãn tiến độ hoặc thành phố đồng ‎ý cho dừng thực hiện, bà Lương cho biết. 

Liên quan đến tiến độ các công trình giao thông, đại diện Sở Tài chính TPHCM cho rằng, nhiều dự án khởi công từ năm 2007 đến nay vẫn chưa xong. Dự án chậm sẽ dẫn tới trượt giá làm tăng vốn, khi tăng vốn các sở ngành lại phải đi thẩm định lại. “Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải phải siết lại tiến độ, nếu nhiều dự án chậm thì sẽ làm tăng rất nhiều vốn”, đại diện Sở Tài chính nói. 

Vị này cũng kiến nghị các ban ngành phải sửa tiêu chí đánh giá nhà thầu, để chọn được nhà thầu có năng lực. Tránh tình trạng chọn nhà thầu năng lực kém dẫn đến dự án chậm tiến độ. Hiện nay, có tình trạng một chủ đầu tư trúng 6-7 công trình, nhưng không có vốn để thi công, bởi tiêu chí chọn thầu hiện nay chỉ căn cứ vào vốn điều lệ. Do vậy, khi chọn nhà thầu nên căn cứ vào vốn huy động cho dự án. Tình trạng này thường xảy ra ở các công trình sử dụng vốn ngân sách nên gây rất nhiều khó khăn. 

Về tiến độ dự án bị chậm, bà Lương cho rằng, nguyên nhân chính là do vấn đề giải phóng mặt bằng. Nếu giải quyết được vấn đề này thì dự án sẽ đúng tiến độ, thậm chí còn vượt tiến độ đề ra. Đơn cử như dự án cầu Rạch Chiếc, do không vướng giải phóng mặt bằng nên dự án hoàn thành sớm 6 tháng so với tiến độ đề ra. Một dự án khác là cầu Sài Gòn 2, hiện cũng đang thi công rất nhanh do không vướng việc giải phóng mặt bằng. 

Nhận định về tình hình vốn cho các dự án giao thông năm 2013, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, năm 2013 tình hình kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn năm 2012. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch năm 2013, Sở Giao thông Vận tải nên ưu tiên vốn để xây dựng các tuyến đường trọng điểm mà người dân bức xúc như tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10 B, việc mở rộng xa lộ Hà Nội, đường nối vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây… 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3562 khách Trực tuyến

Quảng cáo