Thanh tra thành phố Hà Nội vừa hoàn tất kết luận thanh tra quá trình đầu tư xây dựng dự án khu dịch vụ và nhà ở hồ Linh Đàm, với nhiều sai phạm từ phía chủ đầu tư.
Dự án khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (khu đô thị Linh Đàm) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao đất từ tháng 6/1994 với tổng diện tích 184,09 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 966 triệu USD, với thời gian thực hiện 10 năm, thời gian quản lý khai thác là 50 năm. Vào tháng 7/2009, khu đô thị Linh Đàm đã được Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội và thứ hai của cả nước, sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM).
Dự án do Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư và đây cũng là dự án thí điểm đầu tiên về đầu tư xây dựng khu đô thị tại Hà Nội với hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Tuy nhiên, theo cơ quan thanh tra, trong quá trình thực hiện dự án, HUD với tư cách là chủ đầu tư đã để xảy ra một số sai phạm về thực hiện quy hoạch, các thủ tục về tài chính, thuế cũng như sử dụng sai mục đích nhiều lô đất theo quy định.
Cụ thể, cơ quan thanh tra phát hiện HUD không lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và xin phép xây dựng đối với một số dự án cụ thể theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Tổng công ty cũng sử dụng đất sai quy hoạch 1/500 đối với lô đất CC2, VH4, VH5 khi cho xây dựng chợ Xanh tại lô đất quy hoạch khách sạn, văn phòng và khu vực cây xanh, thảm cỏ, đường dạo.
Việc xây dựng tại các lô đất biệt thự và các nhà thấp tầng phần lớn sai mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao hơn so với quy hoạch 1/500 được duyệt. Tại lô đất được quy hoạch làm nút giao thông và đường gom của cầu cạn vành đai 3 do HUD bàn giao cho một số đơn vị khác làm bãi trông xe là không đúng quy định.
Tại khu 160 ha, các dự án, công trình xã hội đã hoàn thành xong từ năm 2002 như nhà văn hóa, công viên CX 4, 5 và CX 13 – 17, nhưng đến thời điểm thanh tra, HUD vẫn chưa bàn giao cho địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, HUD cũng thực hiện việc chuyển nhượng hạ tầng cho một số nhà đầu tư thứ phát khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền.
Đơn cử, HUD đã chuyển giao hạ tầng cho Công ty Đầu tư xây dựng Vinashin và Công ty TNHH Thái Thịnh Nam khi chưa giải phóng xong mặt bằng lô CC1. HUD cũng chuyển giao hạ tầng lô CC6 cho Công ty Hợp Phú khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý…
Một số chủ đầu tư khác đã nhận bàn giao đất từ HUD từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng công trình, như: lô Cc2A của Công ty Lắp máy điện nước và Xây dựng, lô CC6 của Công ty Hợp Phú, VP5 của Công ty Thành Nam… Một số chủ đầu thứ cấp khác có xây dựng thì lại vượt tầng cao và mật đô xây dựng so với quy hoạch được duyệt; nhiều chủ đầu tư thứ cấp không thực hiện khai báo việc sang nhượng và nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Tại dãy nhà thấp tầng từ TT01 đến TT06 thuộc khu 24 ha, phần lớn được xây từ 3,5 đến 4,5 tầng, có mật độ xây dựng khoảng từ 85% đến 95% trong khi quy hoạch được phê duyệt chỉ được xây 3 tầng với mật độ 65%.
Tương tự việc xây dựng các lô biệt thự, khách sạn văn phòng tại khu 160 ha cũng sai mật độ, hệ số sử dụng đất và tầng cao so với quy hoạch đã được phê duyệt.
Ở lô CC2C (thuộc khu 24 ha) do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 làm chủ đầu tư, đoàn thanh tra phát hiện có 3 công trình (chung cư cao 6 tầng, nhà văn phòng 2 tầng và khách sạn cao 4 tầng) vi phạm Luật xây dựng.
Đáng chú ý, theo cơ quan thanh tra, năm 2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội không báo cáo UBND thành phố những sai phạm của chủ đầu tư để xử lý mà có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư được nghiên cứu lập quy hoạch trên tổng diện tích 5.064 m2 (gồm diện tích lô CC2D và CC2C) hợp khối xây dựng các công trình công cộng để xây dựng công trình có diện tích khoảng hơn 1.000 m2 cao 17 tầng và 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng hầm.
Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng không yêu cầu HUD hoàn thiện đồng bộ cây xanh sân vườn, đường nội bộ và dỡ bỏ các công trình sử dụng không đúng quy hoạch (công trình khách sạn cao 4 tầng, diện tích hơn 434 m2 tại lô CC2, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa phá dỡ).
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của HUD đối với nhà nước còn một số sai sót, như: nộp tiền sử dụng đất còn thiếu hơn 420 triệu đồng. HUD cũng nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần tài sản cố định gồm các công trình: chợ Xanh, bãi đỗ xe với số tiền gần 970 triệu đồng; 2,6 tỷ đồng phí xây dựng chưa nộp. Sau khi có ý kiến của cơ quan thanh tra, doanh nghiệp này đã nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của thanh tra thành phố.
Tổng công ty cũng chưa làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước đối với những diện tích đất đã xây dựng công trình thuộc tài sản cố định của HUD.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra thành phố Hà Nội đã giao UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng nhà không phép, sai phép và trái quy hoạch trong dự án.
Thanh tra thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm thủ tục thu hồi các lô đất của chủ đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng nhưng quá 12 tháng không triển khai và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Mặt khác, cơ quan thanh tra cũng yêu cầu một số chủ đầu tư thứ cấp như Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1, Công ty Dịch vụ - Thương mại Sơn Trà, Công ty Thành Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Bemes… phải tạm dừng thực hiện dự án để các cơ quan chức năng thẩm tra tư cách pháp nhân cũng như việc chấp hành nghĩa vụ tài chính của các công ty này tại dự án nói trên.
Bảo Anh
- Các dự án bị “trói” vì mặt bằng: Đâu là lối thoát?
- HoREA muốn sớm có mô hình nhà cho thuê
- Thất thoát trong xây dựng cơ bản vì “ăn chia như ở chợ”
- Giao, cho thuê đất dự án chủ yếu sẽ phải qua đấu giá
- TPHCM rà soát, xóa dự án treo
- Phát triển hạ tầng: Đã thấy “chìa”, làm sao mở khóa?
- Thị trường bất động sản: Những kẻ đi vào bão
- Đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả: Khơi mở vốn cho đại dự án giao thông
- Hệ thống giao thông hiện đại khu trung tâm: “Đua” không kịp cao ốc
- Cấp phép xây dựng quy định mới: khó cho dân