Ngày 16/5, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, cho biết thành phố đang có sẵn hàng ngàn căn hộ để người dân mua theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo tính toán của nhiều người muốn mua nhà, với những quy định của bộ Xây dựng và ngân hàng vừa ban hành thì không phải dễ để họ tiếp cận gói tín dụng này.
Với gói tín dụng này, nhiều người hy vọng sẽ sở hữu được một nơi ở.
Vẫn phải thế chấp
Theo các quy định vừa được ban hành, gói hỗ trợ sẽ dành tối đa 30% để cho doanh nghiệp vay, 70% còn lại sẽ dành cho người dân vay mua nhà. Điều kiện đối với cá nhân vay tiền là người có thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng, tức là chưa đến mức nộp thuế thu nhập cá nhân. Riêng đối với người mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2/căn hộ và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, ngoài điều kiện là người có thu nhập thấp thì phải có hộ khẩu thường trú, còn nếu tạm trú thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên.
Tại TP.HCM, theo sở Xây dựng, hiện đang tồn kho hơn 14.000 căn hộ. Số lượng căn hộ này sau khi chuyển sang làm nhà ở xã hội sẽ là nguồn cung chủ yếu dành cho người mua nhà đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Trước mắt trong năm nay dự kiến thành phố sẽ có 3.000 căn nhà ở xã hội để người dân lựa chọn. Trong đó, 1.000 căn được chuyển từ nhà tái định cư sang, số còn lại được chuyển từ nhà ở thương mại. Còn việc vay vốn, người mua nhà sẽ làm việc với chủ đầu tư và một trong năm ngân hàng cho vay vốn theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng bộ Xây dựng cho biết thêm, tiền từ 30.000 tỉ đồng cho vay này sẽ không phân bổ về cho từng địa phương theo chỉ tiêu mà để các địa phương giải ngân với ngân hàng, tức là địa phương cho vay được đến đâu, ngân hàng sẽ rót ra đến đấy. Về đối tượng cho vay, ông Nam cho biết, ngoài đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì những người mua nhà ở thương mại có quyền tự do lựa chọn dự án mình muốn mua để vay, Nhà nước sẽ không chỉ định bất cứ dự án nào. Tuy nhiên, thủ tục vay thì người mua phải tuân thủ theo những quy định của ngân hàng.
Cụ thể, người vay phải có tài sản thế chấp, phương án trả nợ, có xác nhận của cơ quan đơn vị, tổ chức mình đang công tác. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nếu người vay không có tài sản thế chấp thì ngân hàng vẫn có thể xét duyệt cho vay nếu bảo đảm về phương án trả nợ và bảo lãnh của đơn vị công tác.
Các ngân hàng chờ duyệt kế hoạch Ngày 16/4, trả lời phóng viên, nhiều ngân hàng thuộc diện cho vay ưu đãi theo gói tín dụng 30.000 tỉ đồng vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank Nguyễn Ngọc Bảo thông tin ngắn gọn: “Chúng tôi chưa triển khai”. Đại diện Vietinbank, BIDV cũng cho biết kế hoạch đang chờ phê duyệt. Thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, gói hỗ trợ này là một cú hích nhằm thăm dò thị trường, góp phần kích thích tín dụng đầu ra. Trên cơ sở phản ứng của thị trường, ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét điều chỉnh tăng/giảm liều lượng hỗ trợ. Thảo Nguyễn |
Khơi thông thị trường?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang rất kỳ vọng vào gói tín dụng này. Đại diện công ty địa ốc Him Lam cho rằng, gói tín dụng là liều thuốc kích thích, giúp thị trường nhộn nhịp trở lại, không chỉ phân khúc dưới 15 triệu đồng/m2. Bởi, theo tính toán của các chuyên gia, khi khách hàng được vay mua nhà, chỉ cần mỗi người đặt cọc 30% giá trị căn nhà thì lượng tiền được lưu thông trên thị trường sẽ rất lớn. Có lẽ vậy nên ngay lập tức công ty này đã chào dự án chung cư The Hyco4 Tower tại phường 26, quận Bình Thạnh với 330 căn có diện tích từ 52 – 77m².
Tương tự, ông Phùng Văn Năng, tổng giám đốc công ty cổ phần bất động sản Nam Việt cũng cho biết, để đón dòng tiền này, công ty cũng chuẩn bị mở bán hơn 100 căn hộ tại dự án cao ốc Hưng Phát, với giá chỉ từ 14,7 triệu đồng/m2, trong ba năm thanh toán, khách hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất 0%. Ông Năng nhận định, với gói tín dụng này thì thị trường bất động sản “không bổ ngang cũng bổ dọc” và nếu dòng tiền này được các ngân hàng triển khai tốt và đúng đối tượng, thì sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá rẻ.
Trong khi phía doanh nghiệp bung hàng và chờ tín hiệu thì KTS Nguyễn Minh Hải, một người đang có nhu cầu nhà ở thì cho rằng “không phải dễ”. Cụ thể, với căn nhà 50m2 với giá bán là 750 triệu đồng (15 triệu đồng/m2), anh phải đóng trước 150 triệu đồng (20%), còn lại 600 triệu đồng là ngân hàng cho vay. Với thời gian vay trong vòng mười năm, tức là mỗi năm anh phải trả 60 triệu đồng, chia đều ra mỗi tháng là 5 triệu đồng tiền gốc; cộng với mức lãi suất ít nhất mỗi tháng anh phải trả hơn 2 triệu đồng. Như vậy, cộng cả lãi và gốc anh phải trả mỗi tháng là 7 triệu đồng. Trong khi muốn được vay, thu nhập phải dưới 9 triệu đồng. “Nếu lấy thu nhập trừ đi số phải trả ngân hàng thì tiền còn lại làm sao đủ trang trải trong cuộc sống?”, anh Hải tính.
Vũ Nguyên
Tính lại giá nhà ở xã hội Ngày 16.5, hội đồng xét duyệt cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội TP.HCM đã có cuộc họp với 108 công chức, viên chức – những người được xét duyệt thuê – thuê nhà ở xã hội tại chung cư 157/R8 Tô Hiến Thành, P.12, Q.10 để giải thích về việc xác định lại giá các căn hộ này theo quy định mới của Chính phủ. Theo hội đồng, chung cư Tô Hiến Thành được xây dựng hoàn toàn trên đất công. Vốn xây dựng là của tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, nhưng đây là doanh nghiệp nhà nước nên nguồn vốn xây dựng cũng có một phần là ngân sách. Vì vậy, phải khẳng định đây là nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước và theo quy định tại nghị định 34/2013, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước không được bán mà chỉ được cho thuê và thuê mua. Hiện bộ Xây dựng đang có dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 34 về việc tính giá cho thuê, thuê mua đối với loại nhà này. Theo đó, việc tính giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải tính cả vị trí thuận lợi của chung cư để đảm bảo công bằng. Có nghĩa, nếu chung cư ở vị trí “đẹp” phải có giá cao hơn, trong khi đó, giá bán cũ tại chung cư Tô Hiến Thành trình UBND TP.HCM, sở Xây dựng chỉ tính toán đơn giá từ ba yếu tố: chi phí đầu tư, lãi vay ngân hàng và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp tham gia đầu tư. Vì vậy, sắp tới, giá cho thuê, thuê mua căn hộ ở đây sẽ được tính thêm yếu tố vị trí thuận lợi. V.N |
Bình Dương: dồi dào dự án Theo sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, sau năm năm triển khai thực hiện đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội (chủ yếu là nhà dành cho công nhân lao động), đến nay đã có chín dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng diện tích đất hơn 70.000m2, tổng diện tích sàn hơn 107.000m2, đáp ứng cho gần 16.000 người. Ngoài chín dự án trên, theo sở Xây dựng Bình Dương, trên địa bàn tỉnh còn năm dự án chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng và 19 dự án đã được chấp thuận chủ trương và đang triển khai đầu tư. Ngoài ra, tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – TNHH MTV đã được UBND tỉnh phê duyệt và đầu tư 37 dự án với 65.000 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 167.000 người. Song song đó, tỉnh cũng ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015 là 39 dự án, đáp ứng cho hơn 43.000 người. Đ.Q |
- Chưa có dự án nào tại Hà Nội được chuyển sang nhà ở xã hội
- TPHCM: Đề xuất cấp chủ quyền cho nhà không đúng mẫu thiết kế
- Đề xuất bỏ quy định cấp chứng nhận sở hữu nhà ở
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Đề nghị không đa sở hữu về đất đai
- Phú Mỹ Hưng mở bán căn hộ giai đoạn 2 dự án Happy Valley
- Cất nóc tòa nhà New Skyline tại khu đô thị mới Văn Quán (Hà Nội)
- Nhà thầu hứa hoàn thành các tuyến cao tốc cuối năm 2013
- Hà Nội ra “tối hậu thư” cho các dự án sai phạm về đất đai
- Doanh nghiệp bất động sản: Nối dây dài, dò đáy cạn
- Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Cho dân góp vốn xây nhà