Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Bài toán hiện thực hoá quy hoạch

Bài toán hiện thực hoá quy hoạch

Các đơn vị chức năng đang tiến hành công bố điều chỉnh quy hoạch TP.HCM đến năm 2025 trên thông tin đại chúng, và sẽ có một cuộc triển lãm cho người dân tham khảo là công việc thường lệ của cơ quan quản lý nhà nước. Các công bố quy hoạch cho thấy có một sự nhận thức mới trong phát triển cần ghi nhận.


Bán đảo Thủ Thiêm đang chờ ngày “cất cánh” khi đường hầm qua đây sắp hoàn thành (Ảnh: Lê Hồng Thái)

Đó là việc chú trọng đến việc phát triển các trục giao thông nhanh liên vùng tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận nhằm mục đích phát triển vùng, đẩy nhanh tốc độ và lưu lượng chảy của hàng hoá, nhân lực giữa các tỉnh thành. Đồng thời với nó là phát triển nối kín các tuyến vành đai đồng tâm và liên kết chúng lại bằng các nhánh theo hình tia, làm thêm nhiều cầu vượt sông nhằm kết nối các quận, huyện và các trung tâm lại với nhau thành một hệ thống liên hoàn. Ý định phát triển các loại hình giao thông đa dạng, đa cấp cũng là một nhận thức đúng.

Việc hướng trọng tâm phát triển về hướng bắc – đông bắc và tây – tây bắc cho thấy một sự chuẩn bị đối phó với kịch bản xấu xảy ra khi nước biển dâng cao. Những nhận thức này thực ra không phải là đột phá mà là những nhận thức đúng, nhưng rất tiếc là quá muộn sau hơn 20 năm tiến hành đô thị hoá (tính từ năm 1990). Giá như nó ra đời sớm hơn và tiến hành mạnh mẽ hơn thì bức tranh TP.HCM hôm nay sáng sủa hơn nhiều. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để hiện thực hoá nó.

Thực tế ở Việt Nam, ở Hà Nội và TP.HCM các đồ án quy hoạch bị phá sản rất nhiều, bởi chúng ra đời trên sự giả định thuận lợi và trí tưởng tượng bay bổng của các kiến trúc sư và các nhà lãnh đạo. Để những ý tưởng thành hiện thực thì chúng ta phải xem lại một vài chuyện sau đây: 

 

Bài toán vốn 

Điều quan trọng là nhận thức được khu vực nào cần tập trung đầu tư lớn ban đầu vào cơ sở hạ tầng để làm “mồi”, kích cho nó toả ra sức hấp dẫn, thu hút nguồn lực từ các nơi khác đến rồi sau đó tự nó sinh lời và tác động các vùng khác phát triển theo phản ứng dây chuyền.

Trong công bố quy hoạch mới của TP.HCM không thấy một dòng nào nói đến việc phải cần có bao nhiêu tiền và huy động ở đâu. Quy hoạch Hà Nội mới mở rộng thật hoành tráng, nhưng tối thiểu phải cần đến hơn 150 tỉ đôla. Số tiền này quá sức so với Hà Nội, và nếu có được cũng phải huy động từ các nguồn kéo dài chừng 15 – 20 năm. Tuy vậy, các nhà quy hoạch Hà Nội thay vì quy hoạch định hướng thì lại quy hoạch chi tiết đến 1:500, nên mới gây ra cảnh tranh nhau mua bán đất đẩy giá lên cao chót vót ở những nơi rất hoang vắng như khu vực Ba Vì, hay huyện Đan Phượng nơi có trục Tây Thăng Long chạy qua.

  • Ảnh bên: Mô hình quy hoạch khu trung tâm TP.HCM tại Trung tâm thông tin quy hoạch TP  (nguồn: Tuổi Trẻ)

Việc TP.HCM công bố tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang nâng cấp những gì đang có và xây dựng mới các khu dân cư ở các quận 2, 7, 9, Bình Tân và Tân Phú là điều cần thiết và sẽ không rơi vào cảnh như Hà Nội, bởi đây là những quận hiện hữu nhưng không thể không tính đến bài toán vốn, nhất là cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà nặng nhất là cho giao thông. Nếu không có tiền, tất cả các ý tưởng cho dù lý tưởng nhất cũng sẽ bị phá sản. Chắc chắn để có vốn thì phải vay nước ngoài và các ngân hàng, các quỹ như ADB, IMF, WB và vốn ODA. Song việc vay không còn dễ nữa, vì từ khi Việt Nam được công nhận là nước ra khỏi danh sách nước nghèo thì các vốn vay ưu đãi lãi suất thấp không còn nữa, thêm vào đó việc nợ công của Việt Nam tăng nhanh từ 41,9% GDP năm 2009 lên 56,7% GDP năm 2010 và năm 2011 dự báo là 58,7% GDP, khiến các nhà cho vay cũng có phần ngần ngại.

Có lẽ đến lúc chính quyền các cấp phải quay trở lại tìm nguồn lực trong nước mà lâu nay ít để ý. Chẳng hạn, Chính phủ có thể huy động hàng ngàn tấn vàng nằm trong dân vào quỹ phát triển đô thị, người dân sẽ ủng hộ nếu có chính sách hợp lý và tạo được lòng tin tuyệt đối của người dân trong việc bảo toàn vốn.

Một cách khác là tạo ra vốn từ ngay chính giá trị gia tăng của quy hoạch và từ đất đai. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam phải đền bù quá cao cho phần đất bị mất đi của các nhà trong tiểu lộ (hẻm, đường nhánh), thậm chí chưa hề có đường trước đó khi mở thành đường mới hay đường lớn hơn, đa phần số tiền đền bù này chiếm đến gần nửa chi phí của dự án (dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi là một ví dụ).

Ở các nước khác thì ngược lại, khi được hưởng lợi từ việc mở đường, giá nhà đất tăng lên, kinh doanh thuận lợi, giao thông thuận tiện thì người dân phải trả tiền cho việc hưởng lợi đó, số tiền thu từ nguồn “tạo vốn từ cơ sở hạ tầng này” không hề nhỏ. 

 

Vai trò nhạc trưởng

Về lý thuyết thì việc phát triển một thành phố có thể diễn ra theo sáu hướng: đông, tây, nam, bắc, lên cao và xuống lòng đất. Nhưng không thể nào tiến hành tất cả cùng một lúc, vì phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau như trình độ kỹ thuật, dòng chuyển dân cư, đặc biệt là vốn.

Xưa nay ở Việt Nam nhiều người quan niệm rằng khi quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mọi việc coi như xong xuôi, các cấp quản lý, các nhà đầu tư cứ thế mà làm. Thực tế không phải như vậy. Nhà quy hoạch chiến lược có thể đưa ra mô hình phát triển tổng thể cho toàn thành phố, cho nhiều chục năm sau, nhưng nhà chính trị trong vai trò là người ra quyết sách thì không thể để nó tự do phát triển “theo quy hoạch”, mà phải biết lựa chọn các khu vực, hạng mục ưu tiên và lộ trình phát triển theo từng giai đoạn sao cho hợp lý, và toàn bộ tiến trình luôn nằm trong tầm kiểm soát.

Việc đầu tư dàn trải theo kiểu “rải mành mành” sẽ không mang lại hiệu quả, và đầu tư tập trung với số vốn lớn vào khu vực chưa cần thiết cũng là một sự lãng phí. Điều quan trọng là nhận thức được khu vực nào cần tập trung đầu tư lớn ban đầu vào cơ sở hạ tầng để làm “mồi”, kích cho nó toả ra sức hấp dẫn, thu hút nguồn lực từ các nơi khác đến rồi sau đó tự nó sinh lời và tác động các vùng khác phát triển theo phản ứng dây chuyền.

Nếu xác định không đúng sẽ gây ra những hệ quả xấu cho cả ba phía: nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đặc biệt là tình trạng phát triển tự phát. TP.HCM chưa bao giờ xác định Bình Chánh là hướng phát triển chủ đạo, nhưng trong hơn mười năm từ 1990 – 2000 thì Bình Chánh là khu vực phát triển sôi động nhất và tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất, ngoài sự tiên liệu của cơ quan công quyền. Đây cũng là khu vực nhà tự phát tăng mạnh nhất và chính quyền buộc phải hợp thức hoá nhiều nhất.

TS Nguyễn Minh Hoà
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm