Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức Thế giới Siêu động đất tàn phá Nhật Bản

Siêu động đất tàn phá Nhật Bản

Viết email In

Chiều 11/3, cơn địa chấn 8,9 độ Richter và những đợt sóng thần khổng lồ tiếp theo đó đã bất ngờ tấn công và phá tan hoang khắp nước Nhật.

Theo Kyodo News, trận động đất xảy ra lúc 14h46 (12h46 giờ VN), kéo dài trong vòng hai phút. Tâm chấn nằm ở độ sâu 24km dưới lòng đất, cách thành phố Sendai, thủ phủ đảo Honshu khoảng 130km về phía đông. Nối tiếp ngay sau đó là 19 đợt dư chấn mạnh 6,3-7,1 độ Richter. Cả đất nước Nhật chấn động.


Động đất gây ra những đợt sóng cao 10m tàn phá thành phố Natori ven biển phía bắc Nhật Bản (Ảnh: Reuters)


Một tòa nhà ở TP Sukagawa (bắc Nhật Bản) sụp đổ  (Ảnh: AFP)


Ôtô và máy bay bị sóng thần đánh dạt ở sân bay Sendai, đông bắc Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Tokyo rung lên bần bật, hàng triệu người hoảng loạn đổ ra đường phố. Cơ quan khí tượng Nhật (JMA) cho biết hai giờ sau đó thảm họa mới thật sự bắt đầu. Những cơn sóng thần khổng lồ liên tiếp đánh vào hàng chục thành phố dọc bờ biển miền đông nước Nhật dài 2.100km.

Những thảm họa kép kinh hoàng

* Tháng 2/2010: Trận động đất mạnh 8,8 độ Richter gây sóng thần tại Chile giết chết ít nhất 521 người. Cảnh báo sóng thần đã được báo động ở 53 nước và những con sóng thậm chí gây một số thiệt hại ở Nhật thuộc bờ bên kia Thái Bình Dương.

* Tháng 9/2009: Động đất mạnh 8 độ Richter gây sóng thần cao đến 12m quét qua nhiều khu vực ở Nam Thái Bình Dương làm 194 người thiệt mạng, bao gồm 34 người ở Samoa (Mỹ).

* Tháng 9/2007: Hai trận động đất mạnh 8,4 độ Richter tại Sumatra, Indonesia gây sóng thần cục bộ ập vào thành phố Padang. Ít nhất 25 người thiệt mạng.

* Tháng 4/2007: Một trận động đất mạnh 8 độ Richter xảy ra ở quần đảo Solomon gây nên trận sóng thần làm 52 người thiệt mạng.

* Tháng 7/2006: Động đất mạnh 7,7 độ Richter rung chuyển đảo Java của Indonesia và gây nên cơn sóng thần cướp đi sinh mạng 654 người.

* Tháng 12/2004: Chấn động khủng khiếp từ trận động đất 9,1 độ Richter xảy ra tại đảo Sumatra, Indonesia gây nên sóng thần cực lớn, cướp đi sinh mạng của 220.000 người tại nhiều nước dọc Ấn Độ Dương. 

Cuốn trôi tất cả

Báo Mainichi mô tả hai cơn sóng thần, một cao 4m và một cao tới 10m, đã đánh sầm vào thành phố Sendai thuộc tỉnh đông bắc Miyagi, có dân số 1 triệu người.

Đài truyền hình Nhật NHK trình chiếu một cảnh tượng kinh hoàng: một biển nước đầy những mảnh vụn của thuyền bè, nhà cửa tràn vào Sendai, cuốn trôi nhiều ngôi nhà, xe cộ. Nhiều người lái ôtô đang cuống cuồng tăng tốc để trốn con sóng dữ.

Một con tàu lớn đâm sầm vào đê chắn sóng ở Sendai. Sân bay Sendai ngập nước, xe hơi, xe tải, xe buýt trôi lềnh bềnh trên các đường băng. Hỏa hoạn bùng lên ở một số điểm trong thành phố. Cảnh kinh hoàng tương tự cũng diễn ra ở thị trấn miền bắc Kamaichi và hàng loạt thành phố ven biển khác.

Ở Aomori, ít nhất năm con tàu lớn bị nước cuốn phăng vào bờ, phá vỡ đê chắn sóng, đè đổ vô số cây cối và dừng lại trên các con phố mua sắm trung tâm của thị trấn.

Ở thủ đô Tokyo, hỏa hoạn bùng phát ở ít nhất 10 địa điểm. Một nhà máy lọc dầu bên ngoài thành phố bốc cháy ngùn ngụt. Lửa và khói bốc lên từ một tòa nhà lớn ở Odaiba, ngoại ô Tokyo. Ít nhất 4 triệu gia đình rơi vào cảnh mất điện. Hệ thống tàu điện ngầm tê liệt hoàn toàn.

Phần lớn người dân thành phố di tản ra các công viên và những không gian công cộng rộng lớn để đề phòng khả năng nhà cửa sập. Một tòa nhà sập làm bị thương nhiều người. Sân bay chính của thành phố bị đóng cửa.

Chúng tôi có cảm giác như say sóng đứ đừ do tòa nhà cứ rung lắc liên tục” - BBC dẫn lời anh Jeffrey Balanag, làm việc ở tòa nhà Shiodome Sumitomo, kinh hoàng kể lại. Rất nhiều người cho biết họ chưa bao giờ trải qua một cơn địa chấn dữ dội đến vậy. Ở Tokyo, hàng triệu người mắc kẹt ngoài đường, không thể về được nhà do hệ thống tàu điện ngầm tê liệt.

Kyodo News đưa tin theo Cơ quan quản lý thảm họa (FDMA), đã có ít nhất 337 người thiệt mạng và 531 người mất tích. Có 10 người bị chết đuối ở tỉnh Iwate, khoảng 56 người mất tích. Kyodo News đưa tin một tàu chở 100 người bị sóng thần cuốn trôi.

Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát quốc gia cho biết vẫn chưa thể xác định số người thiệt mạng chính thức. Một số quan chức chính quyền thừa nhận với mức độ tàn phá của thảm họa kép này, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu số người chết tăng cao. Chưa rõ số người bị thương là bao nhiêu.

  • Ảnh bên : Sơ đồ vùng tâm chấn  (Đồ họa: V.Cường) 

Nhà máy hạt nhân bốc cháy

Theo AFP, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thông báo chính quyền Nhật đã đóng cửa an toàn bốn nhà máy điện hạt nhân gần tâm chấn nhất. Tuy nhiên, hỏa hoạn đã xảy ra tại Nhà máy điện nguyên tử Onagawa ở tỉnh Miyagi. Hiện vẫn chưa rõ đám cháy này có dẫn đến nguy cơ rò rỉ phóng xạ hay không.


Nhà máy lọc dầu TP Ichihara phía đông bắc Tokyo bốc cháy ngùn ngụt  (Ảnh: Reuters) 


Hai xe hơi bị hất xuống vực do đất đứt gãy ở Yabuki, đông nam Fukushima  (Ảnh: AFP)

Bộ Quốc phòng Nhật đã gửi quân đội cùng máy bay đến các vùng bị động đất và sóng thần tấn công. Một số địa phương thừa nhận đến giờ vẫn chưa đưa ra được bức tranh toàn cảnh về thiệt hại. “Hiện rất khó để xác định thiệt hại bởi các con đường đã bị tàn phá” - ông Hiroshi Sato, quan chức tỉnh Iwate, cho biết.

Theo JMA, đây là trận động đất có cường độ mạnh nhất trong lịch sử nước Nhật kể từ 140 năm qua.

Trước đó, cơn địa chấn Kanto 7,9 độ Richter xảy ra năm 1923 làm hơn 140.000 người thiệt mạng ở Tokyo. Trận động đất Kobe năm 1995 làm 5.000 người chết và gây thiệt hại 100 tỉ USD, là thảm họa tự nhiên gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử loài người, so với thảm họa động đất - sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 gây tổn thất 10 tỉ USD. 

Theo Kyodo News, thị trường chứng khoán Tokyo sụt giảm tới 5% sau động đất. Ngân hàng Trung ương Nhật đã cam kết sẽ làm tất cả để ổn định thị trường tài chính.

Những hòn đảo chính ở Nhật đã dịch chuyển 2,4 mét vì động đất

Trận động đất ngày 11/3 là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận trong toàn bộ lịch sử Nhật Bản, một trong những quốc gia bị động đất thường xuyên nhất thế giới, theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS).

Trận mạnh nhất từng được ghi nhận là ở Chile ngày 22/5/1960, 9,5 độ richter. Trận động đất mới vừa rồi, kèm theo sóng thần, mạnh đến mức đã dịch chuyển các hòn đảo chính của Nhật Bản 2,4 mét và làm trái đất cũng bị lệnh trục một chút. “Qua bản đồ định vị vệ tinh toàn cầu, chúng tôi thấy Nhật Bản đã dịch chuyển khoảng 2,4 mét” – Kennth Hudnut, chuyên gia địa chất của USGS nói. Những nghiên cứu khác từ Viện quốc gia về địa chất và núi lửa ở Ý ước tính trận động đất đã làm trái đất lệch khoảng 10 cm theo trục nghiêng tưởng tượng 23 độ. 

(Theo Tuổi Trẻ Online

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo