Giải thưởng Pritzker cao quý nhất của làng kiến trúc thường được trao cho những kiến trúc sư hay gây “ồn ào” như Rem Koolhaas hay Zaha Hadid… Nhưng năm nay, giải này đã thuộc về Peter Zumthor (ảnh), một KTS “ẩn dật” người Thụy Sĩ. Người ta gọi ông như vậy vì 40 năm qua Zumthor sống và làm việc tại một ngôi làng hẻo lánh ở dãy Alps. Ông sẽ nhận giải kèm theo số tiền thưởng 100.000 USD tại buổi lễ được tổ chức vào ngày 29/5 tới ở Buenos Aires (Argentina).
Đây là lần thứ hai trong 30 năm lịch sử giải Pritzker, “Nobel Kiến trúc” được trao cho người Thụy Sĩ. Năm 2001, giải này đã thuộc về Jacques Herzog và Pierre De Meuron, những KTS Thụy Sĩ tạo nên nhiều công trình nổi tiếng như các bảo tàng Tate Modern (London, Anh), Young (San Francisco, Mỹ) hay sân vận động “Tổ chim” (Bắc Kinh, Trung Quốc)... Trong 10 năm gần đây, các KTS châu Âu đã có đến 7 lần đoạt giải Pritzker.
Công trình nhỏ, ảnh hưởng lớn
Là con trai của một thợ mỹ nghệ, trong những năm 1960, Zumthor học tại Viện Pratt ở New York (Mỹ). Tuy từng sang Đức, Italia và Mỹ giảng dạy nhưng 40 năm qua, hầu hết thời gian Zumthor sống ở Haldenstein, ngôi làng nhỏ tại miền Trung Thụy Sĩ, nơi ông mở một văn phòng với 15 nhà thiết kế và nhiều cộng sự khác.
Mặc dù ít được công chúng biết đến nhưng kiến trúc sư 65 tuổi này rất được những người cùng nghề kính trọng. Ông nổi tiếng với những tòa nhà, hầu hết có quy mô nhỏ, mang nặng ngụ ý về tâm linh. Vài năm trở lại đây, các nhà phê bình đã dành nhiều lời ca ngợi cho bảo tàng nghệ thuật Kolumba ở Cologne (Đức) - tòa nhà mà Zumthor từng bỏ ra 10 năm đầu trong sự nghiệp để phục chế. Ông đã biết cách gắn kết lịch sử với công trình của mình mà không phải sao chép bất cứ phong cách nào.
Nhưng Zumthor nổi tiếng nhất với công trình nhà tắm nước nóng ở ngôi làng Vals, Graubunden (Thụy Sĩ) - quê hương ông. Công trình này mọc lên trên một suối nước nóng và các bức tường là những lát đá mỏng được xẻ từ các mỏ đá bản địa. Vào đây, người ta được “vùng vẫy” trong bể nước lung linh ánh đèn khiến “cấu trúc như hang động này hết sức sống động - không phải là nơi hành lễ nhưng lại thấm đẫm không khí của lễ cầu nguyện”, Lay la Dawson từng viết như vậy trong tạp chí Architectural Record hồi năm 2008. Công trình này khánh thành vào năm 1996 và nhờ có nó mà lượng khách đặt khách sạn trong làng đã tăng 45%. Bên cạnh đó, còn phải kể đến gian hàng Thụy Sĩ nhạy cảm với môi trường mà Zumthor đã tạo nên tại World Expo 2000 ở Hannover (Đức). Gian hàng này được dựng bằng gỗ đốn từ các khu rừng ở Thụy Sĩ nhưng không hề sử dụng bất cứ loại keo hay chiếc đinh nào.
Bài học cho các KTS trẻ
Zumthor nói rằng giải thưởng Pritzker như một sự xác nhận cho con đường sự nghiệp khác thường của mình và cũng là bài học đối với các KTS trẻ. “Tôi hy vọng con đường sự nghiệp của mình sẽ nhắc nhở các KTS trẻ nên cẩn trọng trong bất cứ công việc nào và không nhất thiết phải làm theo những gì mà người khác trông đợi ở ta. Điều cơ bản của kiến trúc là tạo nên các căn phòng hay không gian cho mọi người. Nếu nhìn vào trái đất không có kiến trúc, chúng ta cảm thấy hơi khó chịu. Vì vậy ta cần tạo nên một công trình nào đó, cho dù đấy là một rạp chiếu phim hay túp lều bằng gỗ ép đơn giản trên núi”.
[ DOWNLOAD > The Pritzker Architecture Prize 2009 - Presented to Peter Zumthor ]
[ DOWNLOAD > Media Kit Announcing The 2009 Pritzker Architecture Prize Laureate ]
Một số hình ảnh công trình nhà tắm nước nóng Therme Vals của Peter Zumthor: [ VIDEO ]
- The Architect 50 : Xếp hạng những hãng tư vấn kiến trúc hàng đầu của Mỹ
- 35 tỷ euro cho mạng lưới giao thông của Grand Paris
- Tượng Dream: “Toi tiền” hay đáng kinh ngạc?
- 60% di sản kiến trúc Italia đang gặp rủi ro do động đất
- Ngành địa ốc Mỹ chứng kiến vụ phá sản lịch sử
- Empire State sẽ trở thành toà nhà "xanh"
- Châu Á Thái Bình Dương là nơi lý tưởng để đầu tư địa ốc
- Trung Quốc: Bản sao Viên Minh Viên bị ngưng do lạm dụng đất công
- Cứu Nhà hát Opera Sydney cần tới 1 tỷ USD?
- Ai Cập sắp mở cửa Kim tự tháp cong