Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Cái giá của di sản?

Cái giá của di sản?

Viết email In

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” gắn với Giỗ tổ Hùng Vương vừa được đệ trình lên tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Cùng lúc lại có hai tin không vui: hội đồng Di sản văn hoá quốc gia kết luận di tích thành Cổ Loa khó đạt đủ tiêu chí lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá thế giới; và di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long bị lún nứt vì ảnh hưởng của công trình nhà Quốc hội thi công bên cạnh.

Đâu đâu cũng nhìn ra di sản!

  • Ảnh bên : Từ ngày 7/4 tức mùng 5 tháng 3, người dân các địa phương đổ về Đền Hùng thắp hương và tham gia các hoạt động lễ hội đầu tiên (Ảnh: Quang Trung)
Di sản vật thể và phi vật thể ở Việt Nam vô cùng phong phú. Ước tính các di tích được xếp hạng trên cả nước đã tới con số ngàn. Còn với di sản phi vật thể, trong một dự án “tổng kiểm kê” của hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cách đây bốn năm có tên “Tầm nhìn 2010”, người ta đã xây dựng được một danh mục với độ dày 4.000 trang bản thảo về di sản phi vật thể của 54 dân tộc. Những số liệu đó so với sáu di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới và bảy di sản được công nhận các danh hiệu khác, đúng là còn rất chênh lệch. Số lượng di sản còn rất lớn, cơ hội được đề cử và công nhận cũng không hề thấp. Chính vì vậy mà theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, nảy sinh hiện tượng “từ năm 2000 tới nay, ở nước ta “nở rộ” di sản. Tôi đọc báo mà nhiều khi còn không xác định nổi đâu là di sản đã đệ trình hồ sơ, đâu là di sản đang đề xuất và đâu chỉ là di sản đề xuất “mồm”!” Trong một cuộc họp với các chuyên gia và đại diện các tỉnh, thành về vấn đề di sản, ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng vụ Văn hoá – đối ngoại UNESCO, tổng thư ký uỷ ban Quốc gia UNESCO, đã phải khuyến cáo: “Mỗi di sản được UNESCO công nhận là một niềm tự hào quốc gia. Nhưng mỗi bộ hồ sơ công nhận di sản thế giới là một công trình vô cùng tốn kém và đòi hỏi nhiều công sức. Hãy nhớ chúng ta đang có năm di sản không được công nhận – đó là năm lần chúng ta bỏ ra rất nhiều mà không nhận lại được gì”.

Từ “được” đến “giữ”

Chưa đầy một năm sau khi Hoàng thành Thăng Long thuộc về nhân loại, những chiếc máy khoan, máy xúc của công trình nhà Quốc hội đã gây lún nứt, thậm chí đổ một bức tường của công trình lịch sử. Trong suốt một tháng xảy ra sự việc, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình luôn tiếp nhận một cách cẩn thận những khuyến cáo của các nhà khảo cổ thuộc viện Khảo cổ. Thậm chí giám đốc ban quản lý dự án này còn khẳng định trên một tờ báo điện tử rằng ông “lo lắng bảo vệ di tích hơn các nhà khoa học”. Nhưng khi các bên họp để tìm giải pháp khắc phục hậu quả, ban quản lý dự án không cử người tới dự.

Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương 2011 diễn ra ngày 7 – 12/4 (mùng 5 – 10/3 âm lịch). Năm nay sẽ có 14 tỉnh, thành phố, đại diện cho ba miền Bắc – Trung – Nam góp giỗ và tham gia các hoạt động lễ hội diễn ra từ thành phố Việt Trì, trung tâm lễ hội đến các vùng ven khu di tích Đền Hùng. Trong dịp này, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 
Ba trong số năm hồ sơ di sản của Việt Nam bị UNESCO gác đều vì vấn đề bảo tồn. Năm 1994 chùa Hương đã nộp hồ sơ, chưa kịp xét thì vì những lộn xộn trong tổ chức lễ hội mà bị chuyên gia quốc tế loại khỏi danh sách xem xét. Trước đó, năm 1991 vườn quốc gia Cúc Phương và cố đô Hoa Lư cũng đã “mắc lỗi” về sự biến dạng và công tác bảo tồn lỏng lẻo. Thậm chí với Hoa Lư, các chuyên gia trong nước cho rằng không nên tiếp tục đề cử. Lời “từ chối” của hội đồng Di sản văn hoá quốc gia với thành Cổ Loa cũng không nằm ngoài vấn đề bảo tồn di sản. Từ năm 1995. Thủ tướng Chính phủ đã từng phê duyệt một dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành ốc có một không hai này. Nhưng sau hơn mười năm, 20% diện tích toà thành đã bị xoá sổ, một loạt các di tích liên quan cũng đã biến dạng khiến cả hai yếu tố cần thiết là tính chân xác và tính toàn vẹn của di tích đều không đạt để lập hồ sơ.

Hồ sơ di sản mới nhất mà Việt Nam gửi tới UNESCO là tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đây là hồ sơ được xây dựng khá công phu và mất tới ba năm để hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng dù được công nhận hay không, cũng cần nhìn nhận đúng về tín ngưỡng này.

Trong chuyến thăm di tích thành nhà Hồ hồi cuối tháng 1 vừa qua, bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã cảnh báo: “Đề cử công nhận một di sản cấp quốc gia thành di sản văn hoá thế giới đã khó. Giữ gìn và phát huy giá trị của nó còn khó hơn nhiều. Uỷ ban Di sản thế giới gồm 21 quốc gia thành viên luôn giám sát chặt chẽ công tác bảo tồn giữ gìn di sản của các quốc gia”. Lời cảnh báo của người trực tiếp trao những tấm bằng công nhận di sản văn hoá thế giới cho Việt Nam, sẽ được hiện thực hoá bằng chuyến công tác vào tháng 6 tới của các chuyên gia thuộc tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hoá của UNESCO (ICOMOS).

Tất nhiên, danh hiệu có thể đem lại cho di sản và quốc gia sở hữu di sản ấy những lợi ích nhiều mặt, nhưng nếu không thể bảo tồn, gìn giữ di sản, những lợi ích trên sẽ bị tước bỏ. Cái giá của di sản lớn hơn một danh hiệu rất nhiều.

Dung P.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo