Theo lẽ thường, đô thị hoá phải là quá trình chuyển những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực của đô thị tới những vùng nông thôn, để “tam nông” được bảo tồn ở mức độ cao nhờ có “văn minh đô thị” chuyển về. Người dân được sống tốt trong những thị trấn làng. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, đô thị hoá đang làm chuyện ngược lại: chuyển cái rụp từ người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông nghiệp sang thành phố với tốc độ chóng mặt “mỗi tháng một đô thị mới xuất hiện”. Bao nhiêu bi kịch đang ập đến với người dân khi cơn lốc đô thị đi qua.
Bi kịch làng đô thị
Lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối năm 2010, huyện Nhơn Trạch có khoảng 74 dự án nhà ở, khu dân cư đang triển khai xây dựng. Trong đó, khoảng 20 dự án treo, chậm triển khai. Chính quyền huyện biết nhưng không thể thu hồi vì không có thẩm quyền. Nghịch lý là đất vẫn chình ình ra đó, trong khi người dân lại không thể canh tác.
(Ảnh: Thanh Nhã)
Bấp bênh ở vùng đất hứa
Một ngày mới bắt đầu với ông Đ. ở khu tái định cư Hiệp Phước là dậy sớm, bày biện lỉnh kỉnh những dụng cụ như máy bơm, mỏ lết, kìm, thau nước… Người nông dân này đang đợi những người khách đầu tiên đến vá xe. Nhiều năm nay, cả gia đình ông ở chung trong một căn hộ tái định cư rộng 125m2, đất canh tác đã không còn.
Ông Đ. kể, trước đây, ông có đất rẫy để trồng rau và nuôi heo. Công việc mang tính thuần nông này, tuy không khá giả nhưng cái ăn thì không phải lo với một gia đình năm người. Ngoài ra, mảnh đất rẫy ấy còn là nơi sinh nhai, cho các con xây nhà khi chúng đến tuổi yên bề gia thất. Từ ngày phải giao đất cho dự án, công việc vá xe của ông chỉ đủ đắp đổi, mua gạo sống qua ngày. “Hiện nay, cả nhà không còn đất rộng nên không biết làm gì”, ông Đ. nói.
Cách nhà ông Đ. không xa là nhà bà Nguyễn Thị Phương Dung ở xã Vĩnh Thanh. Năm đứa con cùng người chồng bệnh tật đè nặng lên đôi vai người phụ nữ tảo tần. Trước năm 2003, gia đình bà Dung là hộ nghèo. Dù vậy, khoảnh ruộng với mấy công đất cũng đủ làm ra lúa gạo cho cả nhà ăn.
Thế rồi đất nhà bà bị thu hồi để làm dự án, bà Dung dùng số tiền ấy xây lại căn nhà để ở thì chính quyền thu lại sổ hộ nghèo với lý do bà đã có nhà cấp bốn thì không còn nghèo nữa. Bà Dung tâm sự: “Thực chất chúng tôi còn nghèo hơn xưa vì bây giờ không còn ruộng để canh tác. Cả nhà sống dựa vào quán bánh cuốn nhỏ xíu, mỗi ngày kiếm khoảng 50.000 đồng mua gạo. Mấy đứa con nhỏ đi học không có tiền, tôi phải đi vay 30 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng. Ai mướn gì tôi cũng phải làm thêm cũng chỉ để kiếm tiền mua gạo”.
Ông Dương Kiều Tân ở khu tái định cư Phước Khánh kể thêm, ông cũng có năm người con, trước kia có đất sản xuất dù không làm giàu, nhưng mảnh đất của gia đình cũng đắp đổi lo cho các con ăn học thành đạt. Ông bảo nếu còn đất thì chia cho các con để ổn định cuộc sống.
Theo ông Tân, các khu tái định cư tại các xã Đại Phước, Phước Khánh, Hiệp Phước đã tạm ổn định, nhưng cái chuyện nghèo khó vẫn còn đó, chăn nuôi, sản xuất thì không có đất, trong khi những dự án vẫn còn treo như công ty địa ốc Sài Gòn 55 hecta ở xã Phước Thiền, công ty Tín Nghĩa ở Phước Khánh cả trăm hecta đất bỏ trống mấy năm nay, dân thì xót xa mong có được miếng đất sản xuất chăn nuôi, thêm tái định cư cho con mà không có. Người dân chấp hành theo chủ trương để Nhơn Trạch phát triển, nhưng ba năm nay nhiều dự án vẫn ì ạch.
Chính quyền cũng khổ
Cấp xã là cấp nhìn thấy, nghe thấy những bất cập ấy nhưng cũng chỉ biết kiến nghị còn cấp trên có nghe hay không lại là một chuyện khác. Dự án khu đô thị Long Thọ – Phước An to thế, đẹp thế, thu hồi nhiều đất của dân đến thế, nhưng hầu như chẳng có người dân địa phương nào vào đó để ở được. Tại dự án nhà cao tầng chung cư Long Thọ – Phước An, căn nhà sừng sững mọc giữa hàng ngàn hecta đất vẫn còn trống cũng thiếu vắng người ở. Đất đai còn nhiều lắm nhưng người dân chỉ đứng nhìn bởi các dự án “nằm đó” thật “lãng phí”. Điều đáng nói là Nhơn Trạch chưa phải là thành phố mà đã có hầm ngầm dưới vòng xoay khu trung tâm huyện đã thi công nhiều năm nay, tốn kém hàng bao tỉ đồng vô ích. “Dân giàu, nước mạnh” còn đang chờ ở vùng đất “hứa”. |
Trong mười năm trở lại đây, Nhơn Trạch có nhiều sự thay đổi nhờ có các khu công nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Đến nay, Nhơn Trạch có 328 dự án đã và đang hoạt động, giải quyết cho gần 60.000 lao động từ các nơi khác trong cả nước đến làm việc, từ đó kéo theo sự phát triển của thương mại, dịch vụ, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp để nhường chỗ cho công nghiệp phát triển.
Song song với bộ mặt Nhơn Trạch được đổi mới là những nông dân chuyên sống với nghề ruộng rẫy lại không có việc làm, do đất đai bị thu hồi. Áp lực phát triển và tái nghèo là bài toán khó với chính quyền địa phương.
Cuối năm 2010, trong một lần chúng tôi đến tìm hiểu về tình hình các dự án đầu tư tại xã Phú Hội, thì được ông Châu Thanh Phong, chủ tịch xã Phú Hội tiếp, ông cũng từng là nạn nhân của quy hoạch treo. Số là ông Phong mua miếng đất 8 x 10m để làm nhà ở, chưa kịp xây dựng thì “dính” quy hoạch trong dự án địa ốc Chợ Lớn. Mức giá đền bù “áp” cho nhà chủ tịch xã cũng như dân thường 160.000 đồng/m2. Ông cũng không đồng tình…
Điều khiến lãnh đạo UBND xã Phú Hội bức xúc nhất là, dù các dự án như trên nằm kéo dài, không triển khai gì hết nhưng nhiều năm nay, năm nào xã cũng kiến nghị huyện, huyện kiến nghị tỉnh thu hồi dự án… đến nay dự án vẫn như cũ. Trong khi ấy, vì đất vướng quy hoạch nên không cấp được chủ quyền. Mà không có chủ quyền thì không thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, không chuyển nhượng được, mọi vấn đề liên quan đều bế tắc. “Đời sống của người dân liên quan đến dự án rất bấp bênh, dự án treo, tiền mất giá, gửi đơn lên xã phản ánh nhưng xã cũng chịu, không giải quyết được. Năm nào cũng vậy, xã có tờ trình về tình hình dự án này, rồi tôi biết huyện cũng trình lên tỉnh, nhưng rồi cứ bặt vô âm tín như vậy! Chủ đầu tư mất tích biền biệt mà dự án lại vẫn tồn tại, trong khi quy định không triển khai là bị thu hồi rất rõ ràng”, ông Phong cho biết.
Ông T. (muốn được giấu tên) là lãnh đạo xã Long Thọ đánh giá về đời sống người dân của xã mình như sau, khi mới nhận tiền đền bù thì tốt lắm, xây nhà, mua xe đều đều. Tuy nhiên sau này khi hết tiền, trình độ dân trí thấp, đất sản xuất mất nên đời sống lại lâm vào cảnh khó khăn, phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi.
Theo ông T., trong nhiều năm gần đây lãnh đạo xã cũng đã cố gắng tìm mô hình kinh tế, đào tạo nghề cho dân nhưng vận động mãi người dân cũng chẳng mặn mà tham gia. Trong các chính sách thu hồi đất, đào tạo việc làm cho người dân hiện nay còn rất nhiều vấn đề. “Cấp xã là cấp nhìn thấy, nghe thấy những bất cập ấy nhưng cũng chỉ biết kiến nghị, còn cấp trên có nghe hay không lại là một chuyện khác. Dự án khu đô thị Long Thọ – Phước An to thế, đẹp thế, thu hồi nhiều đất của dân đến thế, nhưng hầu như chẳng có người dân địa phương nào vào đó để ở được. Khu dân cư làm xong rồi bỏ cho cỏ mọc, dân mình thì mất đất sản xuất, nhìn thấy xót lắm nhưng cũng đành bó tay”, ông T. than thở.
Thanh Nhã – Tùng Quang
(còn tiếp)
- Người Sài Gòn: Chủ hay khách?
- Khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi: Sự phô diễn của các loại kiến trúc
- Cao ốc bọc kính cũng gây ngộ độc
- Biệt thự “Tây” ở ngôi làng 1.000 tuổi
- Hà Nội: “Bão bụi" tra tấn người dân vào nội đô
- Cái giá của di sản?
- Những “ngõ mưu sinh” ở phố cổ
- 7 tháng không điện nước ở chung cư cao cấp
- TPHCM: Đề xuất phân biển số xe chẵn lẻ vào thành phố
- Nhà "siêu mỏng" tiếp tục mọc lên