Đó là biệt thự “Tây” đầu tiên ở làng Việt cổ 1.000 năm tuổi Bát Tràng. Với kiến trúc mang phong cách Pháp, gần 120 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn còn nguyên kiến trúc như thuở ban đầu. Ngay cả lớp gạch lát nền nhà đến nay vẫn còn nguyên vẹn sự hấp dẫn.
Toà nhà “chọc trời” giữa triền đê sông Hồng
Toàn khu biệt thự nằm trên diện tích tới 500 mét vuông ở ngay chính ngôi làng Việt cổ có tuổi đúng bằng tuổi của kinh thành Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Đây còn là làng nghề lâu đời nhất trong các làng nghề xung quanh thành Thăng Long và cả khu vực Đồng bằng sông Hồng phì nhiêu.
Người dân làng Bát Tràng bây giờ vẫn còn lưu truyền cho con cháu câu chuyện về cụ Lý Bá xưa kỳ công dựng ngôi nhà có kết cấu cốt thép đầu tiên. Ngôi nhà ấy được dân làng quen miệng gọi là “nhà Tây”. “nhà Tây” bây giờ vẫn có hậu duệ của cụ Lý Bá sinh sống và gìn giữ. Mặt chính của ngôi biệt thự vốn xưa kia được cụ Lý dùng làm phòng khách, nay còn cháu nội cụ Lý là ông Lê Hồng Đức sinh sống.
- Ảnh bên : Nét trầm mặc của ngôi nhà cổ
Đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Đức vẫn nhớ như in câu chuyện mà cha ông kể về lai lịch ngôi nhà. Ngày ấy, cụ Lý trưởng Lê Quảng Bưu (dân làng vẫn quen gọi là cụ Lý Bá) giàu có nổi tiếng khắp vùng, gia đình có tới hàng chục xưởng làm gốm và hàng trăm người thợ. Đồ gốm được chuyển đi giao thương, buôn bán khắp nơi. Người con trai trưởng của cụ Lý khi ấy là chàng công tử hào hoa, thường lui tới các làng tây ở Hà Nội (Bát Tràng khi ấy thuộc tổng Đông Dư, tỉnh Bắc Ninh) rồi mê luôn những ngôi nhà tầng có nhiều cửa sổ với kiến trúc cổ kính. Chiều con, cụ Lý liền kén những người thợ giỏi nhất vùng, những thanh niên về làm nhà theo mẫu mà người con trai cả đưa.
Ngày ấy, việc gia đình cụ Lý Bá xây ngôi nhà tầng đầu tiên theo kiến trúc Pháp đã trở thành sự kiện của khắp vùng Đồng bằng bên triền đên sông Hồng. Vật liệu xây dựng quan trọng để có thể làm được biệt thự tầng là thép không có nên cụ Lý phải cất công đặt hàng từ tận bên Pháp đưa về. “Bố tôi bảo chỉ riêng tiền để mua thép từ Pháp hồi ấy đã nhiều vô kể, đó là đống tài sản trong mơ của rất nhiều người dân thời bấy giờ”, ông Đức nhớ lại.
Hàng năm trời kỳ công, hàng trăm người thợ cần mẫn đêm ngày, cuối cùng ngôi biệt thự hai tầng mới hoàn thành.
Vẫn nguyên vẹn sau 120 năm...
Có lẽ, hiếm có ngôi nhà cổ nào lại được giữ gìn nguyên vẹn như ngôi “nhà Tây” ở Bát Tràng. Trong khi rất nhiều những ngôi nhà cổ được xây dựng cùng thời, hoặc thậm chí là nhiều năm sau “nhà Tây”, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng thì ngôi nhà của cụ Lý vẫn vững chắc và kiên cố.
- Ảnh bên : Một góc sân ngôi biệt tự 120 năm tuổi ở Bát Tràng
Bà Nguyễn Thị Lâm, vợ ông Đức, vốn là con gái cưng của ông chủ hãng ô tô Mỹ Hào nổi tiếng Hà Nội xưa, cho biết: “Toàn bộ kết cấu nhà cho đến tường, các hoạ tiết vẫn được giữ nguyên như ngày cụ Lý xây dựng. Ngay cả nền nhà dù đã ở, sinh hoạt gần 120 năm mà nay vẫn còn nguyên, không hề bị vỡ, nứt hay trầy xước gì cả”. Mang dáng dấp của ngôi nhà Pháp nhưng “nhà tây” lại kết hợp được những nét đặc trưng của kiến trúc làng Việt cổ. Mái nhà được lợp bằng ngói ta, hai bên mái nhà đặt hai chiếc bình gốm theo phong cách của người làm gốm. Mặt tiền ngôi nhà và phía trong nhà được trang trí bằng sứ tròn Bát Tràng với các màu men đặc trưng như men lưu li, men đại thanh. Phía ngoài của gian phòng chính là phòng khách có tới tám hàng sứ tròn được bố trí chạy dọc như những giọt nước phúc đức, tài lộc rơi xuống nhà. Đứng ở giữa nhà, ngẩng đầu nhìn lên trần là bắt gặp những đốm tròn trang trí lạ mắt, nhiều màu sắc như muôn vàn vì sao lấp lánh trên bầu trời.
Hoạ tiết trang trí trong và ngoài nhà có chỗ chạm khắc nổi tạo điểm nhấn cá tính, có chỗ lại vẽ trực tiếp bằng màu khiến người ta có cảm giác ấm cúng, nhẹ nhàng. “Ngay cả những chỗ vẽ trực tiếp lên tường bằng các màu, đến nay không hề phai nhạt đi mà nét màu vẫn còn sắc và đậm như mới”, bà Lâm nói. Phòng khách, nơi mà xưa kia cụ Lý tiếp đãi bạn bè, người làng người xóm rộng chừng 36 mét vuông, ngay cạnh đó là phòng đào (phòng ngủ), các công trình khác kế tiếp nhau nằm cả trên khuôn viên 500 mét vuông. Chính giữa phòng khách là cuốn thư được mạ bằng vàng ta, ghi bốn chữ: Lưu thuỷ hành vân (Nước chảy mây trôi).
Biệt thự “Tây” này còn đặc biệt ở chỗ mùa đông ấm mà mùa hè mát. Giữa những ngày hè oi ả, nhiệt độ ngoài trời dù lên tới 37-38 độ C nhưng vừa bước chân vào nhà đã cảm thấy một luồng gió mát rượi thổi đến. Bà Lâm cho hay: “Trong mùa hè nóng nực như năm ngoái, nhà tôi cũng không bao giờ cần đến điều hoà, chỉ có cái quạt bật số nhỏ. Có lẽ do tường được làm rất dày, thiết kế có lối thông hơi tốt nên mới được như vậy. Ngôi nhà này cũng không hề có dầm như các ngôi nhà xây bê tông chồng tầng buộc phải có. Vậy mà nhà vẫn chắc chắn dù đã qua hơn một thế kỷ sử dụng”.
Người cháu nội của cụ Lý Bá, ông Hồng Đức còn cho biết, loại gạch để xây ngôi nhà hoàn toàn là loại gạch Bát Tràng, do chính những người thợ cả trong các lò gốm của gia đình làm nên. Cột kèo được làm theo kiểu Mộng Thắt, tường xây bằng gạch Bát Tràng với vữa được làm từ vôi, mật và muối. Nền nhà lát bằng gạch Bát Tràng 7 Lửa. Vì thế, ngôi nhà không chỉ mát về mùa hè, ấm trong mùa đông mà còn cách ly rất hữu hiệu với tiếng ồn, khói bụi.
Loại gạch xây “nhà Tây” được sản xuất theo lối thủ công, các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay nên cốt đầy, chắc và nặng; đặc biệt lớp men trắng thường ngả mầu ngà. Ngày ấy, để có đủ gạch cho công trình đồ sộ nhà cụ Lý, những người thợ đã phải làm việc cần mẫn đêm ngày. Sản phẩm mộc sau quá trình gia công bằng tay hoàn chỉnh được các tốp thợ khẩn trương đem vào lò nung. Loại lò dùng để nung gạch cho nhà cụ Lý hồi đó là lò bầu (lò rồng), một trong 3 loại lò cổ nhất ở Bát Tràng.
Có lẽ, không chỉ bởi được xây từ một khoản tiền kếch xù mà còn chính bởi sự cầu kỳ, cẩn trọng ở từng công đoạn, sự am hiểu về kiến trúc, thiết kế của gia đình cụ Lý Bá đã khiến “nhà Tây” trở thành công trình độc đáo có một không hai ở làng Việt cổ ngày ấy và cả bây giờ./.
Hạnh Vân
- Xây nhà vù vù chờ đền bù
- Hà Nội nhìn từ tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower
- Người Sài Gòn: Chủ hay khách?
- Khu đô thị Ngã Năm – sân bay Cát Bi: Sự phô diễn của các loại kiến trúc
- Cao ốc bọc kính cũng gây ngộ độc
- Hà Nội: “Bão bụi" tra tấn người dân vào nội đô
- Đô thị hoá và bần cùng hoá nông thôn
- Cái giá của di sản?
- Những “ngõ mưu sinh” ở phố cổ
- 7 tháng không điện nước ở chung cư cao cấp