Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích

Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích

Viết email In
Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hóa một cách phản văn hóa như thế nào? Đã có hàng chục năm say mê tìm hiểu cặn kẽ các di tích văn hóa, đặc biệt là đền chùa, họa sĩ Lê Thiết Cương và họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng tham gia trong loạt bài này với cái nhìn của người trong cuộc.
  • Ảnh bên : Hệ thống phù điêu la hán tuyệt tác ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị sơn vẽ, dịch chuyển, xây lại bệ thờ, lát gạch tráng men hiện đại, phá vỡ không gian kiến trúc (Ảnh: Đỗ Lãng Quân)
Các di tích càng lớn thì sau khi trùng tu bị phá hoại càng nhiều. Càng đầu tư nhiều tiền thì di tích càng hỏng nhiều. Tại sao?

Tại sao Cục Di sản của Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch lại đưa ra phương án trùng tu đền Và (xã Trung Hưng, Sơn Tây, TP Hà Nội) theo kiểu “dỡ trắng” ra làm mới như vậy? Ai là những người tư vấn cho cục làm điều đó? Tại sao người ta lại có thể nhân tiện trùng tu chùa Lý Quốc Sư (Hà Nội) để xây thêm một khối nhà ba tầng kệch cỡm đến thế ngay ở mặt tiền? Cơ quan quản lý nào cho phép người ta phá đi bức tường đất nghìn năm của chùa Bổ, hoặc xây một bệ tượng bêtông cốt thép làm che toàn bộ những bức phù điêu đất nung tuyệt đẹp, tiêu biểu cho mỹ thuật gốm không men Việt Nam cuối thế kỷ 16 ở chùa Trăm Gian (Hà Nội)? Rồi lại còn vụ bức tường thành cổ Bắc Ninh bị phá đi làm chỗ nuôi lợn. Có thể nói Cục Di sản không biết những điều đó không?

Phải ngăn chặn cái thói quen hễ ai và ở đâu cứ có tiền là có thể dỡ đình, sửa chùa, tô tượng vô tội vạ, bất chấp các quy tắc tối thiểu về trùng tu di tích như thế. Biết rằng làm được điều này quá khó vì đình chùa là di sản quốc gia, nhưng đình chùa lại ở làng, ở gần dân mà trình độ và sự hiểu biết của dân về bảo tồn, phục chế quá thấp. Nước xa làm sao chữa được lửa gần. Nhưng lỗi lầm đâu chỉ ở người dân!

Giá như có những công ty độc lập chuyên phản biện và giám sát các công trình trùng tu di tích.

Một đất nước có lịch sử 4.000 năm, với một số lượng di sản khổng lồ đến vậy mà không có ngành học nào đào tạo kỹ thuật viên cho tu bổ di tích. Đã đến lúc nên thành lập một trường riêng biệt (cho dù quá muộn) với các chuyên khoa về phục chế đồ gỗ, sơn mài, nề, gốm, tơ lụa...

Những di tích được phục chế tốt nhất trong mấy năm qua: ngôi nhà cổ của ông Phạm Ngọc Tùng ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) do Trường đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) trùng tu năm 2002; các bức tranh tường trong biệt cung An Định, Huế được Hiệp hội Trao đổi văn hóa Leibniz (Đức) giúp phục hồi và chương trình hợp tác giữa chính phủ hai nước VN và Pháp trong việc phục chế 24 tác phẩm điêu khắc Champa... Tất cả đều do các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ. Người ngoài lại hiểu di sản của mình hơn mình vì họ coi phục chế di sản là khoa học. Tóm lại phải học, phải có trường.

Đình, chùa, miếu đều là những công trình kiến trúc, là những tác phẩm nghệ thuật của người Việt. Nghệ thuật về chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng, nghệ thuật sơn mài. Kỹ năng của các nghề thủ công truyền thống này đang mai một dần. Các nghệ nhân tuổi ngày càng cao. Tất cả sẽ mất đi. Phải coi họ là những di sản sống để học hỏi.
  • Ảnh bên : Để trùng tu chùa Bổ (Bắc Giang), người ta đã phá một khoảng lớn của bức tường đất tuyệt đẹp để xe cộ xông vào (Ảnh: Đỗ Lãng Quân)
Phần lớn công trình trùng tu đều trở thành phá hoại. Do thiếu hiểu biết cũng có mà do hiểu nhưng cố tình làm ẩu, qua quýt, ăn bớt công đoạn, nguyên vật liệu cũng có. Thêm mươi năm nữa muốn xem về nghệ thuật điêu khắc gỗ VN thế kỷ 16 chẳng hạn, chắc chỉ còn có thể xem trong bảo tàng thôi. Bước lên sân Thiên Trù (chùa Hương, Hà Nội) du khách tưởng mình lạc sang Singapore khi thấy hai con sư tử đá vừa to vừa xấu chầu hai bên. Cổng tam quan đền Voi Phục (Hà Nội) vừa hoàn thành nhưng xem kỹ hóa ra họ copy cổng chùa Láng...

Nhiều phần sơn thếp các pho tượng trong khi phục chế ở tất cả đình chùa đều làm giả dối, sơn cầm thì pha không đúng chuẩn. Mặt và tay chân các bức tượng đều sơn phết bằng sơn công nghiệp, trong khi đúng công thức cổ là cánh dán trộn điệp không hề đắt đỏ nhưng những người thể hiện cố tình bỏ qua.

Hoành phi, câu đối, cửa võng, bát bảo, cuốn thư, ngai thờ ở chùa nào, đình nào cũng lòe loẹt, bóng lộn do dùng sơn công nghiệp, thếp bạc, hoặc thậm chí thiếc nhuộm phẩm vô tội vạ.

Nếu cứ đà này có lẽ nên dừng lại ngay lập tức việc trùng tu di tích trước khi có một quan niệm, một cơ chế, một phương pháp và một đội ngũ giỏi về trùng tu. Tạm dừng lại việc trùng tu chính là bảo vệ di tích.

LÊ THIẾT CƯƠNG
_____________________

Bảo tồn di sản cần phải được hoạch định thành một chiến lược quốc gia. Đình, chùa, miếu, quán là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Người ta có thể xây dựng 1.000 tòa nhà hiện đại nhưng phá một ngôi đình là không xây lại được, là mất vĩnh viễn, mất lịch sử, mất truyền thống, mất tâm linh, mất văn hóa. Phá hoại đình chùa là điều không thể sửa sai, không thể sám hối.

Việt Nam chỉ có thể đến với thế giới bằng văn hóa của mình thông qua việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Chỉ có thể đi đến hiện đại bằng truyền thống. Đi đến tận cùng truyền thống thì sẽ gặp hiện đại. Điều đó không chỉ đúng trong nghệ thuật mà trong cả ngoại giao, kinh tế và các lĩnh vực khác nữa.

Thật thảm hại!

Tình hình trùng tu các di tích văn hóa nghệ thuật cổ những năm gần đây thật đáng lo ngại. Nhà nước và nhân dân tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả thu lại là các di sản bị biến mất và thay thế bằng một di tích mới. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng dường như tình trạng bất khả kháng làm nản lòng những tâm trạng hoài cổ.

Ở chùa Dâu có bốn chữ nho cổ Tường vân thụy khí, dù vẫn chưa mục nhưng người ta trùng tu bằng cách cho một người thợ can lại một cách đại khái rồi đục chữ mới, còn chữ cổ người ta đem đi đâu không biết. Trần thiết của ngôi chùa được vẽ rồng mây bằng sơn ta rất đẹp, anh thợ của xưởng phục chế vẽ nguệch ngoạc lại bằng sơn hộp... Nếu cứ điểm từng mục thì thật thảm hại, mà đó là công trình do một cơ quan nhà nước thực hiện.

Việc tu sửa tượng rõ ràng đã làm hỏng toàn bộ các nơi được tu sửa. Tượng cổ dùng các nguyên liệu gỗ mít, đục sơ rồi dùng đất phù sa và sơn ta sống chỉnh nét, rồi sơn thếp bằng vàng son. Quy trình này rất tốn kém, lại không thể làm bất cứ lúc nào, chỉ có thể làm trong điều kiện ẩm như mùa xuân. Vàng bạc lót trong sơn cánh dán làm lớp son và màu khác càng ngày càng trong bóng và sâu trầm, đồng thời pho tượng có sự thở theo thời tiết.

Khi sửa mới, đại bộ phận người ta dùng bạc thiếc thay cho vàng, dùng sơn Nhật thay cho sơn ta, thậm chí dùng sơn hộp. Kết quả là pho tượng bóng lộn, lớp sơn Nhật và sơn hộp có màng nilông khiến pho tượng không thở được theo thời tiết sẽ hủy dần từ bên trong một cách mau chóng. Chưa kể tô tượng là một nghệ thuật, không phải là công việc của thợ thủ công mà của nghệ sĩ, nhất là phần chân dung của pho tượng. Những pho tượng cổ được trùng tu biến dạng toàn bộ, nhất là thần thái cổ kính.

Trong một không gian nhiều đồ thờ tự, tượng thần Phật, người xưa thường dùng hoành phi câu đối không trang trí hoa văn, mà chỉ chạm chữ nho trên nền phẳng để giảm bớt chi tiết rườm rà. Trái lại hoành phi câu đối bây giờ lòe loẹt vô cùng, phần lớn chữ nho trên nền hoa gấm. Nhưng khốn thay thợ thủ công bây giờ không chạm nổi được chữ lồng trên mặt hoa gấm; họ bèn cắt chữ rời và dán trên mặt hoa văn, những câu đối như vậy tuổi thọ rất thấp, chỉ mươi năm tất cả sẽ bong tróc rời nhau. Tuy nhiên quan trọng là cảm giác chung khi vào những nơi thờ tự bây giờ là lòe loẹt, dị đoan, hỗn tạp và phi thẩm mỹ.

PHAN CẨM THƯỢNG 


>> Ứng xử với di tích và những mối giằng co 

>> Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo